Tử vong do COVID-19 giảm mạnh, khẳng định hiệu quả chiến lược điều trị
Những giọt nước mắt, những bàn tay nhăn nheo, những bộ đồ ướt đầm mồ hôi như đi từ trong mưa sau một ca trực – là hình ảnh của các “chiến sĩ áo trắng” suốt 4 tháng qua ở nơi “chiến trường” khốc liệt nhất của đại dịch COVID-19 phía Nam. Ở tầng điều trị cao nhất (tầng 3 của tháp điều trị 3 tầng), các bác sĩ vẫn từng giây, từng phút giành giật hơi thở cho người bệnh nặng.
Những đầu tháng 10, số ca tử vong do COVID-19 ở nước ta liên tục giảm, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh, từ hơn 300 ca tử vong/ngày đến nay giảm xuống còn hai con số (ngày 9/10 có 74 ca). Từ đầu tháng 10 đến nay, số ca mắc COVID-19 ở nước ta cũng giảm mạnh, từ hơn 10.000 ca mắc mỗi ngày, nay giảm xuống hơn 3.000 ca. Số bệnh nhân ra viện mỗi ngày một nhiều, song bên trong các Trung tâm Hồi sức tích cực, cuộc chiến sinh – tử vẫn diễn ra.
Giành giật sự sống khỏi tay tử thần
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, dự kiến đến 15/10 Bộ sẽ rút dần lực lượng y tế chi viện cho TP Hồ Chí Minh. Tại 6 Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh, cuộc chiến sinh tử ở đây vẫn đang diễn ra từng giờ, từng phút. Theo chia sẻ của một bác sĩ ở bệnh viện tuyến trung ương chi viện tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy ở TP Thủ Đức, ở thời điểm dịch diễn biến cực kỳ phức tạp, mỗi ngày chứng kiến hơn 10 bệnh nhân ra đi trước sự bất lực của thầy thuốc, sau mỗi ca trực về khu nghỉ, chị chỉ khóc. Đó là thời gian căng thẳng, áp lực và mệt mỏi nhất.
Cuộc chiến của họ không biết ngày và đêm, không có khái niệm thời gian, không biết hôm nay là thứ mấy… Các đồng nghiệp chỉ biết động viên nhau cố gắng, cố gắng hết sức, dù chỉ một hy vọng mong manh cứu người bệnh cũng không bỏ cuộc. Giờ đây, khi số ca tử vong ngày một giảm, áp lực nặng nề của họ mới giảm bớt. Theo nữ bác sĩ, mỗi một người bệnh được cứu sống lại một lần tiếp thêm sức mạnh để họ bước tiếp.
Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP Thủ Đức là tầng cao nhất trong tháp điều trị 3 tầng ở TP Hồ Chí Minh. Vào thời gian cao điểm, bệnh viện tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân nặng/ngày từ các bệnh viện tuyến dưới chuyển lên, trong đó nhiều bệnh nhân đặt nội khí quản sớm, tổn thương phổi nguy kịch; rất nhiều trường hợp bệnh nhân không kiểm soát được oxy máu phải can thiệp ECMO.
Chi viện cho Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP Thủ Đức, Ths Nguyễn Tiến Trung (Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện K Trung ương) cho biết: “Các bệnh nhân chuyển đến đây đều nặng, nếu không kịp thời cấp cứu sẽ nguy hiểm tới tính mạng. Có trường hợp chuyển đến đã ngừng tim, hoặc đến viện tim đập rời rạc, phải khẩn trương cấp cứu. Làm việc ở đây đòi hòi anh em phải nhanh, người bệnh đến cửa phải ra tiếp đón ngay, không biết bệnh nhân nặng hay nhẹ mà luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu”.
Theo lời kể của BS Trung, áp lực của bác sĩ rất rất lớn, một ca trực làm việc 7-8 tiếng không được nghỉ. Khi bệnh nhân giảm dần, áp lực cũng ít hơn. Còn BS Đinh Hương Quỳnh, Khoa Hồi sức cấp cứu - Chống độc, Bệnh viện Nhân dân Gia Định chi viện cho Khoa Cấp cứu cho biết: Nhiều bệnh nhân trẻ nhưng diễn biến nặng rất nhanh. Chẳng hạn như bệnh nhân nữ 38 tuổi, vào nhập viện đã hôn mê, thở oxy. Sau khi cấp cứu xong, có lúc bị rớt mạch, chúng tôi tiến hành hồi sức và có nhịp tim trở lại, song vẫn còn rất nguy kịch. Do bệnh nhân quá trẻ nên chúng tôi đầu tư điều trị tốt nhất cho người bệnh như lọc máu”.
BS Trần Thanh Linh, Phó Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 cho biết, Bệnh viện có 3 khu vực điều trị bệnh nhân nặng, khu vực nặng nhất là chạy ECMO, sau đến khu ICU I và ICU 2b, bệnh nhân đều thở máy. Chủ lực là bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Chợ Rẫy, ngoài ra còn có lực lượng y bác sĩ chi viện của Bệnh viện Nhi Trung ương, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Bệnh viện K, Bệnh viện E, Viện Tim TP Hồ Chí Minh và đoàn bác sĩ của Hải Phòng,Thanh Hóa… vào hỗ trợ mới có thể vận hành được Bệnh viện Hồi sức 1.000 giường.
Hiệu quả rõ rệt
Gần 4 tháng qua, 500 cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai xa gia đình, vào thiết lập Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh để thu dung, điều trị bệnh nhân nặng. BS Ngô Chí Cương, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bên cạnh việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nặng, họ còn hỗ trợ công việc hành chính không tên cho bệnh nhân như việc lưu trữ đồ dùng cho bệnh nhân. Kể về quá trình điều trị cho bệnh nhân ở đây, BS Cương chia sẻ rất nhiều câu chuyện, có những ngày nhiều bệnh nhân nguy kịch cùng lúc, các kíp trực “quay cuồng” trong việc cấp cứu, thiết lập ECMO.
“Thường bệnh nặng vào ngày thứ 7-10. Có người diễn biến từ nặng sang nguy kịch rất nhanh. Có bệnh nhân dương tính ở nhà 9 ngày mới vào viện trong tình trạng khó thở, thở oxy, sau nặng dần, phổi xơ hóa, chúng tôi phải can thiệp biện pháp kỹ thuật cao cuối cùng là ECMO, lọc máu để cứu bệnh nhân.”, BS Cương cho biết.
Tại một giường bệnh, nữ bệnh nhân vửa trải qua cửa tử, đang trong giai đoạn hồi phục được điều dưỡng vỗ dung xúc động cho biết: “Các bác sĩ Bạch Mai quá giỏi, tôi chỉ biết nói hai chữ “biết ơn” với họ”. Nữ bệnh nhân mắc COVID-19 nguy kịch, sau nhiều ngày thở máy đã tỉnh lại, bà được rút ống nội khí quản, đã nói chuyện được bình thường. Bà khoe: “Tôi đã xét nghiệm 2 lần âm tính, hàng ngày được điều dưỡng vỗ dung cho phổi nhanh hồi phục, bác sĩ nói tôi sắp được ra viện”. Đây chỉ là một trong hàng trăm ca bệnh nguy kịch được cứu sống trong “trận chiến” khốc liệt lần này.
Khi dịch COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh bước vào giai đoạn căng thẳng, TP đã xây dựng mô hình điều trị "tháp ba tầng" để đáp ứng được công tác thu dung, quản lý điều trị được hiệu quả. Các bệnh viện trong thời điểm đó đã triển khai cùng lúc thiết lập rất nhanh việc chuyển đổi công năng, áp dụng mô hình bệnh viện tách đôi, thiết lập thêm rất nhiều bệnh viện dã chiến để thu dung bệnh nhân.
Vào cuối tháng 7 đầu tháng 8, trong bối cảnh số ca mắc và tử vong tăng cao, TP Hồ Chí Minh đã triển khai quản lý điều trị F0 nhẹ và không triệu chứng tại nhà, cung cấp túi thuốc cho người bệnh, có sự theo dõi, hỗ trợ của các trạm y tế lưu động. Nhờ việc các F0 được theo dõi tại nhà, đặc biệt là diễn biến giảm oxy trong máu, nên đã hạn chế được nhiều ca tử vong.
Các Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 được thiết lập, đã kịp thời cấp cứu, can thiệp, điều trị cho các ca bệnh nặng, cứu sống nhiều người bệnh cần kề sinh tử.
Theo Ths.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, các Trung tâm Hồi sức tích cực là chỗ dựa về mặt chuyên môn, tham gia trong chỉ đạo tuyến; hỗ trợ tầng 2 để nâng cao chất lượng điều trị; thực hiện chuyển tuyến phù hợp, có sự hỗ trợ chuyên môn để phân loại bệnh nhân tốt; đánh giá đúng nguy cơ để chuyển bệnh viện phù hợp, chuyển tuyến an toàn. Đó là những điểm hết sức quan trọng và là thành công lớn trong công tác điều trị để góp phần giảm số ca tử vong. Theo đánh giá của BS Khoa, dù số ca nhiễm vẫn tương đối cao nhưng số ca bệnh nhân nặng cần cấp cứu đã giảm, đặc biệt là số tử vong giảm. Với can thiệp 3 tầng điều trị, rõ ràng hiệu quả đã hiện hữu.