Tử vong do COVID-19 vẫn cao hơn tử vong do các bệnh truyền nhiễm khác

08:30 15/05/2023

Theo Bộ Y tế, trung bình mỗi ngày nước ta ghi nhận 2.000 ca COVID- 19 mới, trong tuần qua có 5 ca tử vong, mặc dù tỷ lệ tử vong hiện đã giảm xuống rất thấp so với giai đoạn bùng phát mạnh trước đây, song vẫn cao hơn các bệnh truyền nhiễm khác, vẫn gây gánh nặng cho hệ thống y tế.

Theo TS.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), khi xem xét, phân tích các ca bệnh tử vong này, các chuyên gia nhận thấy tất cả các ca bệnh tử vong đều là những người bệnh có nguy cơ cao, bệnh nền, cao tuổi hoặc là có rất nhiều bệnh kèm theo, và bệnh nhân cũng đã có tình trạng nặng từ trước.

Bộ Y tế đang tăng cường tiêm vaccine phòng COVID-19 để bảo vệ nhóm nguy cơ cao.

Không phát hiện một trường hợp nào mà tử vong ở trên người bệnh mà không có bệnh nền hay là người trẻ tuổi không có bệnh nền.

Hiện nay, tỷ lệ tử vong do COVID-19 đã giảm đi rất thấp so với trước đây vào giai đoạn bùng phát mạnh năm 2021.

Mặc dù vậy, tỷ lệ tử vong do COVID-19 hiện nay ở mức 0,37%, vẫn cao hơn nhiều so với những bệnh truyền nhiễm khác, như sốt xuất huyết tỉ lệ tử vong ở Việt Nam khoảng 0,09%. Chính vì vậy, Việt Nam không thể chủ quan và vẫn luôn phải sẵn sàng ứng phó, sẵn sàng để nâng cao năng lực chuyên môn cũng như có kế hoạch, phương án để linh hoạt, chuyển đổi đáp ứng điều trị khi cần thiết.

“Trong trường hợp các ca bệnh nhập viện tăng lên, gây quá tải bệnh viện hoặc xuất hiện các biến chủng nguy hiểm gây bệnh nặng, chúng ta cũng phải chuẩn bị để quay trở lại giải pháp thành lập các cơ sở điều trị COVID-19 như trước đây trong giai đoạn bùng phát dịch. Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải chuẩn bị kế hoạch, phương án sẵn sàng quay trở lại với tình huống dịch bệnh bùng phát”, ông Khoa cho biết.

Để giảm tử vong do COVID-19, theo ông Khoa, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế cảnh giác với COVID-19, phát hiện sớm các trường hợp bệnh; các đơn vị hồi sức, đơn vị chạy thận, đơn vị có những bệnh nhân nặng đang điều trị ở bệnh viện phải theo dõi, giám sát chặt chẽ để sớm phát hiện những ca bệnh, cách ly ra khỏi khu vực đang điều trị, tránh để lây nhiễm vào các bệnh nhân đang điều trị cùng đơn vị. Tiếp tục tăng cường năng lực cho hồi sức cấp cứu và theo dõi, giám sát, tăng cường hội chẩn với tuyến trên khi điều trị ca bệnh nặng, đảm bảo có sự liên thông chặt chẽ giữa các tuyến.

Tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm để hạn chế dịch bệnh lây lan trong bệnh viện. Đặc biệt, các bệnh viện phải hết sức chú ý đến những trường hợp người bệnh nặng, người bệnh tử vong để có xét nghiệm giải trình tự gene, phát hiện sớm những biến thể.

Mặc dù Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố COVID- 19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, song theo GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, như thế không có nghĩa là COVID-19 không còn là mối đe dọa hay COVID- 19 ít nguy hiểm hơn. WHO đánh giá rủi ro nguy cơ về COVID-19 vẫn ở mức cao trên toàn cầu, dù số mắc và số ca tử vong giảm trên toàn cầu nhưng từng khu vực vẫn có sự gia tăng. Bản thân virus SARSCoV-2 vẫn có biến đổi, thay đổi. Nếu như đầu tháng 4, WHO công bố có khoảng 400- 500 biến thể phụ của Omicron nhưng đến đầu tháng 5, con số này đã là 900. WHO luôn nhắc các nước không được chủ quan, cảnh giác với các biến thể mới xuất hiện.

Ông Phan Trọng Lân cho biết thêm, đến nay, ngay cả trong cuộc họp của WHO ngày 5/5, câu hỏi bao giờ đại dịch kết thúc vẫn chưa rõ ràng. Vì thế đối với Việt Nam, Cục Y tế dự phòng sẽ cùng các chuyên gia cập nhật, tham mưu cho Bộ Y tế, cho Chính phủ đưa ra các biện pháp linh hoạt, phù hợp mới mức độ, diễn biến tình hình dịch, đảm bảo sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết.

Thời điểm hiện nay, theo chuyên gia, cũng chưa thể chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B. Bởi COVID-19 tính chưa ổn định, khó lường, dù có giảm các biện pháp phòng, chống nhưng về miễn dịch suy giảm theo thời gian, trong khi biến thể phụ thường xuyên xuất hiện, dịch xuất hiện làn sóng mới. Như vậy, biện pháp áp dụng phải trải từ hành chính xã hội cho đến biện pháp về chuyên môn, kỹ thuật. Trong phân loại, bệnh truyền nhiễm nhóm A thiên về các biện pháp hành chính xã hội và đảm bảo nguồn lực. “Tuy nhiên tôi nhấn mạnh dù là nhóm bệnh nào thì việc phối hợp thực hiện hài hoà, linh hoạt để khi áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch có thể triển khai nhanh chóng, phù hợp với tình huống dịch, tránh được lãng phí mới là quan trọng”, ông Lân cho biết.

Theo khuyến cáo của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, thời gian tới vẫn cần duy trì thực hiện 2K, vaccine, thuốc điều trị, công nghệ và ý thức người dân trong việc phòng, chống COVID-19 lâu dài.

Trần Hằng

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文