Ứng dụng công nghệ cao để chống thuốc giả
Sáng 23/8, tại Hà Nội, Viện Phát triển Doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) phối hợp với Trung tâm công nghệ chống hàng giả Việt Nam tổ chức hội thảo “Thuốc và thực phẩm chức năng giả - Hiện trạng và giải pháp”.
Thuốc giả, hiểm họa thật
Bà Nguyễn Diệu Hà - Hiệp hội Dược cho biết trong nhiều năm qua, số lượng thuốc giả xâm nhập vào hệ thống cung ứng thuốc và đến tay bệnh nhân đang ngày càng gia tăng. Thời gian vừa qua, các vụ án liên quan đến thuốc giả được phát hiện đã đẩy lên một cao trào với làn sóng dư luận và thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Trong số các mẫu tân dược bị làm giả thì đa số là kháng sinh và thường là những kháng sinh đắt tiền của các thương hiệu dược nổi tiếng.
Thuốc giả được sản xuất khá tinh vi, chỉ có thể phát hiện những điểm khác nhau khi so sánh vỏ hộp, tờ hướng dẫn sử dụng, thuốc thật và giả khi để cạnh nhau, tuy nhiên điều này người tiêu dùng rất khó để phân biệt.
“Thuốc giả không chỉ là bất hợp pháp mà còn là mối quan ngại lớn đối với sức khoẻ cộng đồng. Điều trị bằng thuốc giả mạo không hiệu quả như đối với trường hợp kháng sinh có thể dẫn đến sự xuất hiện của các vi khuẩn kháng thuốc. Các thuốc giả được sản xuất tại cơ sở không đảm bảo điều kiện và tiêu chuẩn quy định có thể chứa nhiều vi khuẩn và nấm mốc, điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với trường hợp các thuốc dùng đường tiêm hoặc trên những người bệnh bị suy giảm miễn dịch. Với những hậu quả nghiêm trọng, gây hại đến sức khỏe, nghiêm trọng hơn là tính mạng của con người, nạn thuốc giả làm giảm niềm tin của cộng đồng vào hệ thống chăm sóc sức khoẻ, các chuyên gia y tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các nhà cung cấp dược phẩm chân chính”, bà Hà phân tích.
Đại diện cho lực lượng Quản lý thị trường, ông Nguyễn Đức Lê nhận định, lợi nhuận của ngành dược là rất lớn, đây là một trong những nguyên nhân khiến loại tội phạm làm giả trong các sản phẩm thuốc và thực phẩm chức năng ngày càng gia tăng và chưa có hồi kết. Các vụ án trong ngành y tế trong thời gian vừa qua có liên quan đến dược phẩm phải kể đến vụ Việt Á và VN Pharmar.
Tổng giá trị của những vụ gian lận này lên đến con số hàng nghìn tỷ đồng. Số lượng tội phạm ngày càng phát triển là vậy, mặc dù lực lượng Quản lý thị trường được phân bổ rộng rãi trên khắp cả nước nhưng vẫn không đủ để đối đầu với các đối tượng gian lận với số lượng đông đảo và ngày càng tinh vi, đến từ các ngành nghề khác nhau. Nói một cách khác, lực lượng biên chế quản lý quá mỏng dẫn đến việc phát hiện, xử lý và chống hàng giả còn gặp rất nhiều khó khăn và hạn chế.
“Riêng ngành dược, trong đó có thuốc và thực phẩm chức năng là các sản phẩm mang tính chất đặc thù. Bằng phương pháp thông thường, chúng tôi không thể dễ dàng để phát hiện thật, giả một cách chính xác. Việc kiểm nghiệm thành phần, chất lượng thuốc... là phương pháp được lựa chọn tối ưu để xác định độ thật, giả của một sản phẩm. Tuy nhiên, chúng ta cần một khoản kinh phí lớn và thời gian dài để đánh giá, điều tra. Đây cũng là rào cản lớn trong việc phát hiện và xử lý kịp thời vấn nạn thuốc và thực phẩm chức năng giả trên thị trường”, ông Lê nói.
Chia sẻ từ thực trạng của doanh nghiệp, đại diện thương hiệu PNS CHOICE của Công ty TNHH Tập đoàn Y – Dược Sâm Ngọc Linh Việt Nam, sâm Ngọc Linh là loại sâm quý hiếm, sản lượng khan hiếm cùng lợi ích kinh tế lớn khiến loại sâm này trở thành dược liệu bị nhiều đối tượng làm giả hết sức tinh vi nhằm trục lợi bất chính. Thậm chí, vị này thông tin, có đến 90% sâm Ngọc Linh là hàng giả trên thị trường, hệ lụy là khiến khách hàng quay lưng với hàng chính hãng do lo sợ mua phải hàng giả dẫn đến thiệt hại lớn cho doanh nghiệp kinh doanh và người trồng.
Còn dưới góc độ phòng, chống hàng giả, ông Trần Đức Đông - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389), xu hướng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung, sản xuất, buôn bán hàng giả là tân dược, thực phẩm chức năng nói riêng dịch chuyển từ nhỏ lẻ, tự phát sang lợi dụng tư cách pháp nhân, thành lập công ty liên danh, liên kết trong và ngoài nước, hình thành đường dây, ổ nhóm để buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả với phương thức, thủ đoạn tinh vi, mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng hơn.
Bên cạnh đó, các đối tượng còn chuyển từ hình thức sản xuất, kinh doanh mua bán, vận chuyển, giao nhận hàng hóa trực tiếp sang ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử, trong khi còn vướng mắc về cơ chế pháp lý, thiếu lực lượng và biện pháp ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát hiện và xử lý những vi phạm này.
Giải pháp từ công nghệ mới
Để thực hiện hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, và buôn bán hàng giả, ông Trần Đức Đông cho rằng, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao cần chủ động nắm tình hình, nhận diện những vấn đề phức tạp, xây dựng triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, điều tra, phát hiện và xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả nói chung và sản xuất, buôn bán thuốc giả, thực phẩm chức năng giả.
Đại diện Ban chỉ đạo 389 cũng đề nghị, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần tập trung phương tiện, biện pháp, đánh đúng, đánh trúng các đối tượng cầm đầu đường dây ổ nhóm, tụ điểm phức tạp nhằm răn đe và phòng ngừa chung; tiếp tục rà soát những khó khăn, vướng mắc về quy định pháp luật, cơ chế phối hợp và đề xuất các kiến nghị để từng bước hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả… Về các biện pháp cụ thể, theo các chuyên gia và doanh nghiệp, với thủ đoạn ngày càng tinh vi thì các doanh nghiệp cũng phải ứng dụng công nghệ tiên tiến để tăng cường các biện pháp chống hàng giả, hàng nhái.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tâm, Trung tâm công nghệ chống giả Việt Nam cho biết, các nhà sản xuất phải tự cứu mình trước khi quá muộn nên các doanh nghiệp có thể sử dụng chống hàng giả bằng cách sử dụng con tem có mã QR giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Cùng với đó, doanh nghiệp có thể sử dụng giải pháp TrueData với việc sản phẩm gắn chip RFID sử dụng trường điện từ tự động nên không thể làm giả, nhà cung cấp được xác thực bằng công nghệ định danh cùng bảo hiểm mua hàng chính hãng.
“Khi giới tội phạm, với lợi nhuận kếch xù của các hoạt động buôn lậu và hàng giả, không ngần ngại đầu tư sử dụng công nghệ cao trong sản xuất và buôn bán hàng giả, nếu các nhà quản lý và doanh nghiệp chân chính không sử dụng các giải pháp công nghệ cao hơn thì cuộc chiến chống hàng giả khó giành được kết quả mong muốn để bảo vệ người tiêu dùng” - PGS,TS Lê Văn Truyền - chuyên gia cao cấp dược học, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc - Bộ Y tế khuyến nghị.