Vì sao bệnh nhân về mắt phải mổ ở bệnh viện tư?
Tình trạng thiếu hoá chất, vật tư y tế khiến nhiều người bệnh có nguy cơ mù loà, hoặc phải chuyển ra bệnh viện tư, hoặc tuyến dưới để mổ xảy ra kéo dài tại Bệnh viện Mắt Trung ương. Có người sau thời gian chờ đợi đã phải ra bệnh viện tư mổ với giá đắt gấp 5-6 lần so với bệnh viện công. Sau rất nhiều phản ánh bức xúc của người bệnh, đặc biệt là người bệnh nghèo, tình trạng này đã được khắc phục hay chưa?
Người bệnh khốn khổ
Phản ánh tới phóng viên Báo CAND, bà Nguyễn Thị Hiên, SN 1957 (Thanh Hoá) cho biết, bà mổ viêm đầu thống mắt trái vào tháng 1/2021 và mắt phải vào tháng 1/2022. Giữa tháng 11/2022 bà Hiên đi khám tại Bệnh viện Mắt Trung ương, bác sĩ kết luận phải mổ lại mắt phải và đồng thời thay thuỷ tinh thể. Tuy nhiên, bệnh viện hiện tại hết hoá chất nên không mổ được. Sau đó, bà được giới thiệu ra một bệnh viện mắt tư nhân để mổ và "tá hoả" khi được thông báo tổng chi phí là 40 triệu đồng. "Nếu mổ bảo hiểm y tế ở Bệnh viện Mắt Trung ương chỉ khoảng 5 triệu đồng, nhưng ở đây đắt gấp 8 lần, tôi không có tiền nên quay về quê", bà Hiên cho biết.
Nửa tháng sau, mắt ngày càng đau và nhìn kém, bà Hiên nhờ người nhà ở Hà Nội tìm bệnh viện tư nhân khác để mổ. "Nếu chờ đợi nữa thì phải chịu cảnh mù loà, nên gia đình cố gom góp được hơn 20 triệu đồng nộp cho bệnh viện tư để mổ", bà Hiên than thở. Tình trạng thiếu hoá chất, vật tư y tế tại Bệnh viện Mắt Trung ương diễn ra trong thời gian dài, khiến nhiều người bệnh có nguy cơ phải mù loà vì không được phẫu thuật ở nơi có đội ngũ bác sĩ tay nghề cao, đặc biệt là người mắc các bệnh lý về võng mạc.
Theo phản ánh của một nam bệnh nhân 60 tuổi (Nghệ An), ông thay thuỷ tinh thể ở bệnh viện tư, một thời gian sau thấy khó chịu, ông ra Bệnh viện Mắt Trung ương khám, bác sĩ phát hiện ông bị bong võng mạc và có chỉ định phẫu thuật. Do bệnh viện hết vật tư, hoá chất nên không mổ được, giới thiệu ông ra bệnh viện khác. Chi phí cho ca phẫu thuật bong võng mạc ở bệnh viện tư lên tới gần 40 triệu đồng, trong khi đó theo một bác sĩ chuyên khoa mắt, nếu mổ đúng tuyến thì chỉ hết 10 triệu.
Hay trường hợp khác là cháu bé ở Nam Định chuyển cấp cứu trong đêm lên Bệnh viện Mắt Trung ương, nhưng do không có vật tư, hoá chất, bệnh viện liên hệ chuyển cháu đến một bệnh viện công khác nhưng không gây mê được nên từ chối, cuối cùng có một bệnh viện tư nhận tiếp nhận. Ca phẫu thuật hết 50 triệu đồng. "Khổ cho người bệnh vì chi phí phẫu thuật ở bệnh viện tư rất cao. Nếu bệnh viện công có đầy đủ thuốc, vật tư, hoá chất, người bệnh chỉ phải trả chi phí thấp hơn nhiều, đặc biệt với người bệnh nghèo thì số tiền chênh lệch đó là quá sức", anh Trần Đức Thắng (Hà Nội) cho biết.
Bao giờ được tháo gỡ?
Tới Bệnh viện Mắt Trung ương vào thời điểm cuối tháng 12/2022, chúng tôi ghi nhận nhiều bệnh nhân "kêu trời" vì bệnh viện hết vật tư, hoá chất, họ phải ra bệnh viện khác mổ, đặc biệt là bệnh viện tư với cái giá "cắt cổ". Tại khu vực tầng 1 của Bệnh viện Mắt Trung ương, chúng tôi gặp bà N.T.P (56 tuổi, Hải Phòng) đi khám lại sau 1 tuần thay thuỷ tinh thể ở bệnh viện tư. "Cách đây nửa tháng, tôi phải thay thuỷ tinh thể, nhưng bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương bảo bệnh viện hiện không có. Sau đó tôi được giới thiệu sang bệnh viện tư nhân ở 55 Hàm Long để thay. Bệnh viện đó đông lắm, tôi đăng ký 1 tuần thì được mổ, còn bác sĩ ở đâu mổ thì không biết", bà P kể lại. Theo bà, ca phẫu thuật thay thuỷ tinh thể hết 26 triệu đồng, được trừ 5,9 triệu đồng, bà phải đóng 20,5 triệu.
Mỗi ngày Bệnh viện Mắt Trung ương có khoảng 1.000 người đến khám, trong đó 10% có chỉ định nhập viện, nhiều nhất là đục thuỷ tinh thể - căn bệnh hàng đầu gây mù loà. Thời kỳ đỉnh cao, một năm cả viện mổ 30.000 ca, có ngày cao điểm mổ gần 200 ca. Nhưng thời gian qua, nhiều bàn mổ "phơi sương" khi người bệnh mắc các bệnh về võng mạc, chấn thương, đục thuỷ tinh thể… đến viện phải về hoặc chuyển đi nơi khác. Theo một số nguồn tin, nguyên nhân vì một số gói thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị, thuốc… phải dừng. Một số bác sĩ chuyên khoa mắt cho biết, những ca phẫu thuật võng mạc, chấn thương ở bệnh viện tư, rẻ nhất cũng là 50-60 triệu đồng - số tiền không nhỏ với nhiều người bệnh. Một số bác sĩ tâm huyết lo lắng, nếu phòng mổ không sáng đèn sẽ mất đi công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, sinh viên y khoa sẽ vô cùng thiệt thòi vì không được "cầm tay chỉ việc"; bác sĩ trong thời gian dài không được thực hành sẽ dẫn đến trì trệ về chuyên môn…
Để tìm hiểu vì sao một bệnh viện hàng đầu về mắt của Việt Nam lại diễn ra tình trạng phải gửi bệnh nhân đi bệnh viện tư và bệnh viện tuyến dưới nhờ phẫu thuật, phóng viên Báo CAND đã liên hệ với ông Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương. Theo ông Hiệp, bệnh viện đã có rất nhiều công văn báo cáo Bộ Y tế về vấn đề này, đến nay cơ bản đã có hướng giải quyết. Ông Hiệp từ chối trả lời phóng viên và đề nghị liên hệ với Bộ Y tế.
Trao đổi với phóng viên Báo CAND, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế nhận được báo cáo của Bệnh viện Mắt Trung ương và đã nắm bắt được tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở bệnh viện. Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình mua sắm thuốc, vật tư y tế và Bệnh viện Mắt Trung ương đã triển khai theo chỉ đạo này. "Bệnh viện đã có thư cảm ơn Bộ Y tế đã kịp thời chỉ đạo, giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Trong thời gian tới, chắc chắn với chỉ đạo quyết liệt của Bộ Y tế và việc tổ chức triển khai thực hiện của Bệnh viện Mắt Trung ương, bệnh viện sẽ khắc phục được tình trạng thiếu thuốc, vật tư, hoá chất trong thời gian ngắn", Thứ trưởng Tuyên cho biết.
Thiếu thuốc, vật tư, hoá chất trong thời gian qua đã tác động trực tiếp tới người dân khám, chữa bệnh BHYT. Nhiều người bệnh khốn khổ khi phải bỏ khoản tiền không nhỏ vì bệnh viện hết thuốc nằm trong danh mục BHYT chi trả. Và câu chuyện hàng loạt người bệnh phải ra mổ ngoài với chi phí đắt đỏ như ở Bệnh viện Mắt Trung ương vừa qua cần nhanh chóng giải quyết, để đem lại quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT cho người dân, cũng như việc họ được thụ hưởng điều trị ở một cơ sở y tế hàng đầu về nhãn khoa của cả nước.