Kia
Mobifone

Xa xỉ thế nào là vừa?

Thứ Năm, 12/09/2024, 07:57

Thời nào cũng vậy, với những người có quyền, việc ham tiêu pha xa xỉ là nguồn gốc của lòng tham, từ đó sinh ra những hệ lụy như tham nhũng, vơ vét, bòn rút của công cho mục đích cá nhân. Thế nên, từ thời xưa, dạy về đạo làm người quân tử, trong thiên Đằng Văn công (hạ), Mạnh Tử đã bình luận rằng phải là người "Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di", tức là "giàu sang không mê hoặc được, nghèo khó không dời đổi được", mới có thể gọi là bậc đại trượng phu.

Với các bậc sĩ nhân thời xưa, việc giữ vững bản tính khi nghèo khó có vẻ dễ dàng hơn so với khi đã ở trong hoàn cảnh phú quý. Nhưng, trong lịch sử nước ta, không hiếm những bậc chính nhân quân tử có thể giữ được phẩm giá trong hoàn cảnh đầy xa xỉ.

trannhatduat.jpg -0
Tượng Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật ở Bạch Hạc, Việt Trì, Phú Thọ. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Ở thời Trần, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật là người như vậy. Khi ông qua đời (năm 1330), các sử quan thời Trần và tiếp đó là thời Lê đã chép vào trong bộ "Đại Việt sử ký toàn thư", khen rằng: "Ông là bậc thân vương tôn quý, làm quan trải 4 triều, 3 lần coi giữ trấn lớn, trong nhà không ngày nào không mở cuộc hát xướng, làm trò, mà không ai cho là say đắm. So với Quách Tử Nghi tột cùng xa xỉ mà không ai chê, ông cũng gần được như thế".

Được so sánh với Phần Dương vương Quách Tử Nghi, đại công thần của triều Đường ở Trung Quốc, thờ 4 đời vua, mà sử sách đời sau khen rằng "Công trùm trời đất mà chủ không nghi, địa vị vượt muôn người mà không ai đố kỵ", thì Trần Nhật Duật thật sự là bậc đại trượng phu, không bao giờ để của cải vật chất và các ham muốn bình thường lôi cuốn.

Tất nhiên, phải được chủ hiểu và tin tưởng thì dù có xa xỉ, chủ cũng không nghi. Thời Tam Quốc bên Trung Quốc, nước Ngô có viên đại tướng là Lã Phạm, được Ngô chủ là Tôn Quyền hết sức tin cẩn, nên mới được quyền xa xỉ. Sách "Ngô chí" trong bộ "Tam quốc chí" của Trần Thọ kể rằng, Lã Phạm thích uy vũ và nghi thức, khiến người cùng châu như Lục Tốn, Toàn Thông và các công tử quý tộc đều sửa mình cung kính nghiêm túc, không ai dám khinh mạn. Phục sức trong chỗ ở của Lã Phạm, lúc đương thời rất xa xỉ. Tuy nhiên, do ông ta chuyên cần với công việc và tuân theo phép nước, nên Tôn Quyền cảm thấy vui mừng với lòng trung của Lã Phạm, không hề trách móc sự xa xỉ ấy.

Sách "Giang Biểu truyện" của các tác giả đương thời ghi chép kỹ hơn về câu chuyện này như sau: "Có người bẩm với Ngô chủ rằng Lã Phạm và Hạ Tề dùng lụa đẹp xa xỉ, phục sức phỏng theo như bậc vương hầu, nhưng Tôn Quyền nói rằng: "Xưa kia Quản Trọng vượt lễ giáo, Tề Hoàn Công ưu đãi bao dung cho ông ấy, nên không tổn hại đến nghiệp bá. Nay Tử Hành, Công Miêu (tên tự của Lã Phạm và Hạ Tề), bản thân không có cái lỗi của Di Ngô (tức Quản Trọng), chỉ là khí giới của họ tinh xảo đẹp đẽ, xe thuyền nghiêm chỉnh thôi, thế là vừa đủ cho nghi dung của quân đội, thì có tổn hại gì đến việc quân chăng?".

Tuy nhiên, việc để cho bề tôi được hưởng sự xa xỉ thoải mái, đến mức cho sắm sửa "khí giới tinh xảo đẹp đẽ" như Tôn Quyền trong thời phong kiến là rất hiếm, vì ít khi các vị quân chủ tin tưởng hoàn toàn về việc bề tôi tuyệt đối trung thành với mình, mà thường lúc nào cũng nghi kỵ, sợ kẻ dưới tích lũy của cải, khí giới là sẽ chuẩn bị cho việc mộ quân làm phản.

Nước ta, thời Lê sơ, sau khi cuộc kháng chiến chống quân Minh thành công, số phận của công thần Trần Nguyên Hãn gặp cảnh bi thảm như vậy. Nguyên nhân không chỉ vì ông ham sống xa xỉ, mà chính vì ông là hậu duệ của các vua Trần. Có lẽ Trần Nguyên Hãn đã sớm nhận ra sự bất lợi trong nguồn gốc của mình, nên ngay sau khi Lê Thái Tổ lên ngôi, dù được phong làm Tả tướng quốc, được ban quốc tính, ông vẫn xin về làng. Theo sách "Đại Việt thông sử" của Lê Quý Đôn, thì Trần Nguyên Hãn đã nói với người thân cận rằng: "Nhà vua có tướng như Việt vương Câu Tiễn, cho nên, ta không thể yên hưởng vui sướng được". Ấy nhưng, sau đó, khi sống ở quê hương (huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc ngày nay), Trần Nguyên Hãn vẫn không sống thật kín mình, giản dị và ẩn dật, vẫn để người ta phát giác ra những lỗi lầm như "làm nhiều nhà cửa, xây bằng gạch hoa và đóng thuyền chở binh khí". Đã là hậu duệ vua triều trước, có tài năng, có công lao mà sống xa xỉ hoặc có dấu hiệu tích lũy của cải như vậy thì... chết rồi. Những việc này bị tố cáo lên vua, cho rằng ông mưu phản. Vậy là Vua Lê Thái Tổ sai lực sĩ xá nhân đến tận nơi bắt ông về hỏi tội, khiến Trần Nguyên Hãn phải bỏ mạng trong uất ức.

Vì chuyện này, cũng như việc Lê Thái Tổ hạ sát công thần Phạm Văn Xảo, nên các sử thần đời sau khi soạn "Đại Việt sử ký toàn thư", sau khi tán dương công đức của Vua Lê Thái Tổ, đã chê mấy chữ rằng: "Vua đa nghi, hay giết, đó là chỗ kém".

Với các quý tộc Việt, việc sống xa xỉ vẫn thường gây nghi kỵ cho nhà vua, ngay cả khi là người trong vương thất gần gũi, chứ không chỉ với đối tượng hậu duệ của vua triều trước đầy nghi ngại như Trần Nguyên Hãn. Trường hợp Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang là điển hình. Trần Quốc Khang vốn là con trai An Sinh vương Trần Liễu và công chúa triều Lý là Thuận Thiên. Do Vua Trần Thái Tông (em trai Trần Liễu) và vợ là công chúa Chiêu Thánh (em gái Thuận Thiên) lấy nhau 12 năm chưa có con nối dõi, nên Thái sư Trần Thủ Độ mới ép đưa công chúa Chiêu Thánh, lúc đang có thai 3 tháng, vào cung làm vợ vua. Việc này khiến Trần Liễu phẫn uất làm loạn, dẫn đến cái chết của hàng trăm thuộc hạ của ông. Nhưng, sau đó, anh em nhà vua giảng hòa, Trần Liễu mất vợ, Vua Trần Thái Tông thì có được con cả là Trần Quốc Khang, sau vua sinh thêm được hoàng tử Hoảng, phong làm Hoàng thái tử và trở thành Vua Trần Thánh Tông về sau.

Trần Quốc Khang tuy danh nghĩa là anh vua, nhưng thực chất vẫn là con của dòng trưởng, con của một người từng nổi loạn chống lại triều đình, nên vẫn không tránh khỏi bị nghi kỵ. Ông này được phân công làm trấn thủ Diễn Châu (vùng Diễn Châu và Bắc Nghệ An hiện nay), nhưng theo ghi chép trong "Toàn thư", vào năm 1270, thì ở vùng đất trấn nhậm, ông xây dựng phủ đệ rộng lớn, có hành lang và giải vũ vòng quanh, quy mô "lộng lẫy quá mức thường". Sự xa xỉ này đồn về kinh đô, nhà vua nghe tin, liền phái người vào xem. Lúc này Tĩnh Quốc mới hoảng sợ. Thân phận của mình như vậy mà bị vua nghi thì chỉ có chết. Ông bèn lập tức cho tô tượng Phật để thờ, biến phủ đệ thành chùa, tức chùa Thông, quy mô to lớn khắp vùng đều biết tiếng và đến thời Lê vẫn còn. Từ đó, không thấy nhắc đến chuyện Tĩnh Quốc đại vương dám sống xa xỉ nữa.

Thời Trần cũng có một viên quý tộc, không chỉ vì ham xa xỉ, mà còn thể hiện lòng tham vô độ đến mờ cả mắt, dẫn đến hành động ngu tối, mà mất cả mạng. Đó là trường hợp của Bảo Uy vương Trần Hiến. Theo "Toàn thư", lúc nhà Trần mới dựng nước, có thuyền buôn nước Tống sang dâng một tấm vải hỏa hoãn (vải chịu được lửa, còn đọc là "hỏa cán", nghĩa là vải giặt bằng lửa) giá mỗi thước tới 300 quan tiền, lưu truyền làm của quý. Sau này, bầy tôi trong cung đem vải ấy may áo cho vua, nhưng cắt hơi ngắn nên vua không mặc mà sai cất trong nội phủ. Bảo Uy vương tư thông với cung nhân, lại ham vải quý, nên xúi cung nhân lấy trộm áo ấy đem về phủ. Nhưng, cái dốt của Bảo Uy vương là lại mặc áo ấy vào trong rồi vào chầu, tâu việc trước mặt Thượng hoàng Trần Minh Tông, để lộ cả ống tay áo vải quý ra. Thượng hoàng trông thấy có ý ngờ, sai người kiểm xét lại, quả nhiên chiếc áo cất giữ đã mất.

Người cung nhân nghe tin Thượng hoàng truy tìm báu vật, lập tức sai người thị tỳ già đến nhà Bảo Uy vương lấy áo đem về, rồi ngầm đem vào cung dâng trình. Thượng hoàng biết chuyện, giận nhưng chưa nỡ giết, đuổi Bảo Uy vương ra làm quan ở trấn ngoài, giữ chức Phiêu kỵ tướng quân ở châu Diễn. Nhưng, khi Bảo Uy vương mới đi đến sông Vạn Nữ (tức sông Trinh Nữ ở Yên Mô, Ninh Bình) thì Thượng hoàng lại sai võ sĩ đi thuyền nhẹ đuổi theo giết chết ông ta, vứt xác vào bãi cát. Sau đó, Bảo Uy vương bị giáng xuống làm Bảo Uy hầu.

Sự việc được "Toàn thư" ghi vào lại vào năm Thiệu Phong thứ 7 (1347). Cuộc đời một vị thân vương không thiếu gì nhung lụa nhưng ham đồ xa xỉ quý hiếm đến mờ mắt, cũng phải chịu kết cục bi thảm đến mất mạng. Chung quy lại, chỉ có những bậc đại thần hết lòng vì vua, vì nước, như Lã Phạm thời Đông Ngô, Hưng Đạo vương, Chiêu Văn vương đời Trần ở nước ta, mới không bị nghi kỵ. Ấy là Hưng Đạo vương từng được vua ban cho quyền "phong tước cho bất kể ai dưới tước hầu, chỉ từ tước hầu trở lên thì phong trước rồi tâu vua sau", mà ông chưa từng lạm dụng, phong cho bất cứ người nào. Còn Chiêu Văn vương, là người yêu văn nghệ, thích xướng ca, mà vẫn được ca ngợi là "so với Quách Tử Nghi tột cùng xa xỉ mà không ai chê, ông cũng gần được như thế", quả là lời khen vô cùng vinh dự, tự hào.

Lê Tiên Long

.
.