Nhân đọc tiểu thuyết "Hồ Xuân Hương tiếng vọng" của nhà thơ Nghiêm Thị Hằng, NXB Văn học, 2022

"Bà chúa thơ Nôm" bước vào tiểu thuyết

10:15 11/05/2023

Có thể nói nhà báo, nhà thơ Nghiêm Thị Hằng là người có duyên lạ với "Bà chúa thơ Nôm" - nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Chị vừa mới in xong cuốn "Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương" (2021) gây tiếng vang trên văn đàn; tiếp theo là người dẫn chuyện trong  2 tập phim tài liệu về Hồ Xuân Hương do Đài Truyền hình Vĩnh Long thực hiện nhân dịp UNESCO vinh danh bà Danh nhân văn hoá. Và gần đây là tiểu thuyết lịch sử "Hồ Xuân Hương tiếng vọng" do NXB Văn học ấn hành cuối năm 2022.

Phải nói, trong vòng 2 năm, Nghiêm Thị Hằng ra được ngần ấy tác phẩm về nữ sĩ Hồ Xuân Hương rõ ràng sức làm việc đáng nể của một nhà báo, nhà thơ, vốn không chuyên về khảo cứu hay tiểu thuyết.

Tất nhiên, viết về bà Hồ Xuân Hương, một kì nữ văn chương trong văn học Việt Nam vừa dễ lại vừa khó. Mà cái khó này chồng lên cái khó khác làm cho cái khó càng thêm khó. Nghĩa là dễ ít mà khó là khó rất nhiều!

Nói dễ là vì tiểu sử Hồ Xuân Hương vốn chỉ được ghi vắn tắt không nhiều trong sử sách và các tài liệu liên quan đến cuộc đời và thơ của bà. Bởi vậy mà nó có nhiều khoảng trống, khoảng mờ, tha hồ cho người viết hình dung, tưởng tượng, không bị bó buộc bởi những gì đã có.

Bìa hai tác phẩm viết về nữ sĩ Hồ Xuân Hương của nhà thơ Nghiêm Thị Hằng.

Nói là khó bởi vì tài liệu về tiểu sử và cuộc đời Hồ Xuân Hương tuy ít, nhưng lại có khi mâu thuẫn, những giai thoại về cuộc đời bà cũng khá phong phú chẳng rõ đâu là thực, đâu là hư do quá trình "huyền thoại hóa" trong dân gian. Ấy là chưa kể những chuyện bà lấy chồng mấy lần, lấy ai? Có lấy anh thầy lang xóm Tây? Lấy  ông Tổng Cóc, lấy ông Phủ Vĩnh Tường? Lấy ông Tham Hiệp trấn Yên Quảng Trần Phúc Hiển?

May mắn thay, nhà thơ Nghiêm Thị Hằng đã giải quyết khá minh bạch và rốt ráo chuyện này trong cuốn khảo cứu "Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương" xuất bản năm 2021. Vấn đề đối với nhà thơ là lần đầu cầm bút viết tiểu thuyết lịch sử về một nhân vật lịch sử nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà toàn thế giới, nhà thơ viết theo cách nào đây? Làm thế nào để chọn lọc được những chi tiết điển hình nhất về cuộc đời, những bài thơ nổi tiếng nhất của nhà thơ Hồ Xuân Hương, và đặc biệt là làm rõ mối quan hệ của nhà thơ với người thân trong gia đình, với bạn thơ, với các nhân vật có liên quan như Nguyễn Du, Chiêu Hổ, Trần Phúc Hiển,…?

Tác giả Nghiêm Thị Hằng với khả năng đọc nhiều, tích luỹ và nắm vững tư liệu cuộc đời nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã viết tiếp cuốn tiểu thuyết lịch sử thứ 2 về "Bà chúa thơ Nôm" khá thành công. Nhà văn đã dựng lại cuộc đời của nữ sĩ từ khi sinh ra, được cha chấm lá số tử vi cho đến khi qua đời. Nội dung tiểu thuyết "Hồ Xuân Hương tiếng vọng" gồm 5 phần: "Quả ngọt cuối mùa"; "Thời thiếu nữ kiêu sa"; "Lấy chồng làng Gáp"; "Chữ tài gắn với chữ tai"; "Họa tam tai". Phần "Quả ngọt cuối mùa" kể về  cha mẹ và quãng đời thơ ấu của Hồ Xuân Hương. "Thời thiếu nữ kiêu sa" nói về mối tình với Nguyễn Du, "Lấy chồng làng Gáp" nói về cuộc tình duyên với Chiêu Hổ Nguyễn Bình Kình tức Tổng Cóc. "Chữ tài gắn với chữ tai" nói về quãng đời long đong của nữ sĩ sau khi dứt tình Tổng Cóc, mối quan hệ với Tốn Phong và hẹn thề với Mai Sơn Phủ Trần Phúc Hiển. "Họa tam tai" nói về những ngày Xuân Hương hạnh phúc bên Trần Phúc Hiển và việc Xuân Hương kêu oan cho chồng bất thành.

Nhà thơ Nghiêm Thị Hằng về cơ bản đã chọn lọc những chi tiết đời sống, các bài thơ nôm truyền tụng, các dấu ấn lịch sử quan hệ với Nguyễn Du, với Chiêu Hổ, với Mai Sơn Phủ Trần Phúc Hiển để dựng lại chân dung một người phụ nữ tài hoa, thông minh, sắc sảo mà cuộc đời vất vả, long đong trong tình duyên, hai lần lấy chồng hai lần đều làm lẽ…

Nếu trong tiểu sử nữ sĩ Hồ Xuân Hương chỉ là một số dòng ngắn ngủi thì đọc tiểu thuyết này, người đọc hiểu rõ về Hồ Xuân Hương với những chi tiết đời thường của một thiếu nữ xinh đẹp, thông minh, nổi tiếng thơ hay. Và người đọc cũng rõ vì sao lại có tin đồn trong dân gian là Hồ Xuân Hương lấy thầy lang xóm Tây.  Bà mẹ Xuân Hương có hứa gả. Nhà thơ Phạm Đình Hổ, bạn của Nguyễn Du viết bài thơ "Nhớ xưa". Nên dân gian càng tin là Xuân Hương đã lấy thầy lang. Thật ra,  bài thơ  "Khóc chồng làm thuốc" không phải là Hồ Xuân Hương khóc chồng là anh thầy lang xóm Tây, mà là bài thơ nàng làm hộ người vợ anh thầy lang đó tên là Nguyệt! (tr. 167 - 171).

Một số bài thơ của Hồ Xuân Hương  được  Nghiêm Thị Hằng dẫn vào trong tiểu thuyết, nhằm giải thích vì sao bài thơ đó ra đời. Đấy là một cố gắng rất lớn của người viết tiểu thuyết. Vì đa số các bài thơ Nôm của Hồ Xuân Hương đều không ghi năm tháng ở cuối bài. Đây là một điều mới mẻ chứng tỏ người viết rất tự tin vào khả năng thẩm thơ của mình. Chính tác giả Nghiêm Thị Hằng đã khá thành công vận dụng "khảo thơ tìm sử" trong cuốn "Giải mã bí ấn nữ sĩ Hồ Xuân Hương". Tuy nhiên, trong tiểu thuyết này không phải lúc nào nhà khảo cứu Nghiêm Thị Hằng cũng thành công.

Chúng tôi xin lưu ý về mối tình của Hồ Xuân Hương với Tổng Cóc. Tất cả những lí giải của người viết tiểu thuyết đều thuyết phục đối với câu đối giữa hai người và các bài thơ  "Trách Chiêu Hổ" 1, 2, 3. Việc Đội Kình viết câu đối xúc phạm nặng nề Hồ Xuân Hương với vế đối "Làm đĩ Càn, tai đeo hạt Khảm, Tốn, Li, Đoài, khéo nói rằng Khôn" đã rõ khi mối tình tan vỡ, chỉ còn lại sự thù hận ở Đội Kình. Tuy nhiên, gán câu giai thoại "Nay đã mần cha thằng xích tử, Rày thì đù mẹ cái hồng nhan" cho Đội Kình (trang 235) lại tỏ ra không ổn và thiếu thuyết phục. Vì sao? Vì cũng chính trong tiểu thuyết này, trang 232 tác giả viết "Tháng trước nàng ấy đẻ non con gái, đứa trẻ xấu số đã yểu mệnh". Thằng xích tử là thằng con đỏ. Con gái sao có thể gọi là thằng? Vả lại cũng không nên tô đậm sự cạn tàu ráo máng của Đội Kình như thế!

Ngoài nhân vật chính là Hồ Xuân Hương, tác giả cũng xây dựng thành công các nhân vật có liên quan trực tiếp đến nàng là cha (cụ đồ Hồ Phi Diễn), mẹ (bà Hà Thị), và nhất là các nhân vật có liên quan đến Hồ Xuân Hương gồm Nguyễn Du, Chiêu Hổ, Tốn Phong, Mai Sơn Phủ tức Trần Phúc Hiển.

Điều mới về nhân vật Hồ Xuân Hương trong tiểu thuyết này là việc nàng Hồ Xuân Hương đã chạy đôn đáo để kêu oan cho chồng. Tác giả tiểu thuyết đã cắt nghĩa có sức thuyết phục vì sao Phúc Hiển lại bị kiện. Vì sao đơn kiện không được thẩm tra, xét xử công minh? Vì sao có sự giúp đỡ của Nguyễn Du, nhưng án Phúc Hiển vẫn không được giảm, mà chỉ được gia ân sống thêm sáu mươi ngày và được tự xử chết ở quê nhà? Đồng thời người viết cũng đoán định câu thơ "Cán cân tạo hóa rơi đâu mất" trong bài "Khóc ông phủ Vĩnh Tường" của Hồ Xuân Hương là có ý nói đến việc "trời cao chẳng thấu oan chồng", không xét xử minh bạch vụ án Trần Phúc Hiển. Phần này tác giả cũng làm sáng tỏ thêm bí ẩn về "Mộ giày thầy Lánh" được đề cập ở cuốn sách "Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương".

Nhà thơ, nhà báo Nghiêm Thị Hằng không tuyên bố mình viết tiểu thuyết lịch sử theo trường phái nào. Chỉ với lòng tôn kính và ngưỡng mộ nhà thơ, kì nữ, bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương mà tác giả cầm bút vượt qua mọi khó khăn để dựng lại chân dung cuộc đời của nữ sĩ theo sự hiểu biết và cảm thấu của mình. Lần đầu tiên viết tiểu thuyết lịch sử mà viết được thành công như Nghiêm Thị Hằng cũng là việc đáng khâm phục và ngưỡng mộ. Tất nhiên, có thể có người băn khoăn vì một số chi tiết về năm tháng Nguyễn Du gắn bó với Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du kết hôn với bà Đoàn Thị Huệ, Nguyễn Du viết "Truyện Kiều" tức "Đoạn trường tân thanh" vào thời gian nào và ở đâu thì chưa được khẳng định.  Nhưng không sao. Đây là tiểu thuyết chứ không phải là công trình biên khảo.

Tác giả viết ở "Lời cảm ơn" mở đầu sách:

"Nữ sĩ Hồ Xuân Hương - "Bà chúa thơ Nôm" đã được vinh danh "Danh nhân văn hóa". Tiểu thuyết này như món quà của hậu thế dâng lên người xưa, mong sao danh hiệu cao quý "Danh nhân văn hóa" của nữ sĩ Hồ Xuân Hương không chỉ tỏa sáng trên quê hương đất Việt mà còn rạng danh trên thế giới" (trang 7).

Đúng là món quà quý, rất quý và rất kịp thời khi tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo quốc tế và vinh danh nhà thơ Hồ Xuân Hương trên quê hương bà vào ngày 3 tháng 12 năm 2022 vừa qua.

Hà Nội, 23/4/2023

Vũ Nho

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào khoảng 7h45 sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 1 thi thể trên sông.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文