Kia
Mobifone

Những việc làm nhỏ mang ý nghĩa lớn

Thứ Sáu, 06/12/2019, 12:18
Gần gũi, giúp đỡ nhân dân từ những việc tưởng chừng nhỏ, bình thường nhất nhưng trong những hoàn cảnh nhất định, mỗi việc làm, hành động của từng cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân lại mang đến sự tin tưởng, trân quý từ quần chúng nhân dân.

Chuyện “Hiệp sĩ Kẻ Nính”

Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An những ngày giữa tháng 10-2019, mưa lớn bất ngờ ập đến, chỉ trong một buổi sáng cả thành phố chìm trong biển nước khiến nhân dân không kịp trở tay. Lũ lên, nhiều tuyến đường ngập sâu cả mét khiến hàng ngàn phương tiện, trong đó chủ yếu là xe gắn máy và xe ô tô bị chết máy, giao thông rơi vào ùn ứ, hỗn loạn. Trong bối cảnh đó, để giúp đỡ nhân dân, Công an TP Vinh đã huy động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) giúp nhân dân di chuyển hàng hóa, tài sản, phương tiện đến khu vực an toàn, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất.

Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) cũng huy động 115 lượt CBCS cứu chữa kịp thời 6 vụ cháy, 2 vụ cứu nạn, cứu hộ, cứu được 5 người, giá trị tài sản ước trị giá hàng trăm triệu đồng. Đồng thời, huy động 80 CBCS tham gia hỗ trợ nhân dân trên địa bàn TP Vinh khắc phục hậu quả do mưa lớn ngập lụt gây ra.

Công an Nghệ An liên hệ tìm người thân cho một cháu bé bị đi lạc.

Ngoài ra, công an các đơn vị, địa phương cũng đã cử CBCS túc trực, ứng cứu tại các vùng ngập lụt, nhanh chóng có mặt tại các điểm nóng để hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân. Sự có mặt kịp thời của những chiến sĩ CAND đã trở thành chiếc phao cứu sinh cho nhân dân, không chỉ giúp giữ lại tài sản mà còn kịp thời cứu được tính mạng cho người dân.

Đó là câu chuyện của mẹ con chị Lê Thị Thùy Linh (SN 1994, trú tại nhà số 7 đường Nguyễn Tài, phường Trường Thi, TP Vinh). Chồng đi làm xa, chị Linh cùng đứa con nhỏ mới 18 tháng tuổi bị mắc kẹt trong căn nhà cấp 4. Nước lũ lên quá nhanh khiến hai mẹ con không kịp trở tay, đến lúc chị phát hiện bị ngập thì nước đã dâng cao hơn 1m, không thể bồng con ra khỏi nhà.

Trong lúc hoảng loạn, chị Linh chỉ nhớ được số máy khẩn cấp báo cháy nên đã gọi 114 nhờ giúp đỡ. Nhận được tin báo, khoảng 11h30 ngày 16-10, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Nghệ An đã cử đội cứu hộ tức tốc đến hiện trường.

Do vị trí căn nhà thấp, xung quanh nước ngập hoàn toàn nên phải mất 30 phút, lực lượng chức năng mới tiếp cận được vị trí hai mẹ con bị mắc kẹt. Tại đây, người mẹ trẻ đang ôm con nhỏ, cố thủ trên nóc tủ trong sự sợ hãi lẫn tuyệt vọng. Đội cứu hộ đã dùng dây và xuồng đưa hai mẹ con ra khỏi căn nhà an toàn.

Câu chuyện gây xúc động lớn trong đợt mưa lũ vừa qua, được lan truyền trong lực lượng công an Nghệ An nói riêng và trong cộng đồng nói chung, có lẽ là trường hợp của Thượng sĩ Lương Văn Thắng, cán bộ Đội An ninh Công an huyện Quế Phong đã bất chấp hiểm nguy, lao mình xuống dòng nước lũ cứu sống 4 người dân đang bị mắc kẹt trong dòng chảy hung dữ của thủy điện.

Chuyện xảy ra khi cơn bão số 4 đổ bộ vào các tỉnh miền Trung. Chiều tối ngày 29-8, công an huyện Quế Phong nhận được tin báo tại khu vực hạ lưu đập thủy điện bản Cốc tại xã Châu Kim có 4 công dân đi câu đã bị cô lập do nước từ thượng nguồn đổ về quá nhanh.

Ngay lập tức, tổ công tác gồm 15 người được lệnh gấp rút lên đường. Đây là khu vực xa dân cư, nằm cách huyện lỵ Quế Phong khoảng 25km, ở trong rừng sâu, phải đi bộ mất 2 tiếng đồng hồ đường rừng mới tới nơi. Tổ công tác xác định danh tính 4 người đang bị mắc kẹt gồm các anh Lữ Văn Phương (SN 1995), Kim Sơn Ngọc (SN 2002), Lô Văn Hai (SN 2003) và Lô Trung Hiếu (SN 2003), đều trú tại bản Hữu Văn, xã Châu Kim, huyện Quế Phong.

Mưa lớn, lũ từ thượng lưu đổ về nhanh, nước chảy xiết và dâng cao cô lập hoàn toàn khiến công tác tiếp cận, giải cứu các nạn nhân gặp rất nhiều khó khăn. Tổ công tác đã phải chặt cây, bện dây thành cầu tạm để tiếp cận, giải cứu các nạn nhân. Thượng sĩ Lương Văn Thắng đã dùng dây thừng buộc vào người, rồi di chuyển nhanh chóng qua từng mỏm đá đến chỗ bị cô lập. Sau hơn 30 phút đu dây, vượt qua dòng nước xoáy, anh tiếp cận được các nạn nhân.

Công an TP Vinh giúp đỡ nhân dân trong đợt mưa bão tháng 10-2019.

Đến 22 giờ cùng ngày, toàn bộ nạn nhân đã được giải cứu an toàn. Ghi nhận hành động dũng cảm này, UBND huyện Quế Phong đã trao tặng giấy khen cho Thượng sĩ Lương Văn Thắng. Công an tỉnh Nghệ An cũng đang đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho Thượng sĩ Thắng.

Được biết, Thượng sĩ Thắng từng được mệnh danh là "Hiệp sĩ Kẻ Nính" khi một mình cứu sống 7 học sinh thoát chết đuối vào ngày 21-9-2009 tại bản Kẻ Nính, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu (Nghệ An). Bản thân Lương Văn Thắng cũng là đại diện cho tuổi trẻ Nghệ An tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII vào năm 2010 tại Hà Nội.

Trước đó, trong lực lượng Công an Nghệ An cũng lan tỏa tấm gương Đại úy Lô Tú Tài, cán bộ Công an huyện Tương Dương khi đã cứu sống 8 người trên khe Chàng Hạ, thuộc địa bàn xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương, trong cơn bão số 2 khi những người này mắc kẹt trên cành cây giữa dòng nước lũ. Hành động này đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Dũng cảm, và được tặng Giải thưởng “Thanh niên công an tiêu biểu làm theo lời Bác” nhân kỷ niệm 67 năm Ngày Truyền thống CAND.

3 năm sau sự kiện này, Đại úy Lô Tú Tài thêm một lần nữa được nhắc đến khi giữa đêm khuya một ngày cận tết Ất Mùi 2015, anh đang ngồi uống cà phê cạnh bờ sông Lam, thuộc địa phận thị trấn Hòa Bình, huyện Tương Dương, thì phát hiện một người đang vùng vẫy giữa sông. Mặc dù giá rét nhưng anh đã dũng cảm nhảy xuống sông, cứu người này vào bờ an toàn.

…đến sự lan tỏa của những tấm lòng vì dân

Thiếu tướng, PGS. TS. Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết: Từ năm 2017, Công an Nghệ An đã triển khai sâu rộng cuộc vận động “Xây dựng phong cách người cán bộ công an trên quê hương Bác Hồ bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ; xây dựng Công an Nghệ An chính quy hơn, tận tụy hơn, lễ phép hơn, quyết liệt hơn, uy tín hơn”. Sau hơn 2 năm nhìn lại, cuộc vận động này đã có sức lan tỏa hết sức mạnh mẽ, nhiều tập thể, cá nhân đã có rất nhiều việc làm tốt, ý nghĩa và nhân văn, vì nhân dân phục vụ.

Thống kê cho thấy, từ khi phát động cuộc vận động đến nay, đã có gần 600 lượt tập thể, hơn 2.700 lượt cá nhân có thành tích xuất sắc được khen thưởng. Lực lượng Công an Nghệ An đã nhận được trên 500 thư khen, cảm ơn của các cá nhân, ban ngành và cơ quan, đơn vị trong lẫn ngoài nước. Những việc làm của mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an Nghệ An, phần lớn đều xuất phát từ tâm, đúng nghĩa “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”, vì nhân dân quên mình chứ hoàn toàn không vì thành tích hay toan tính, mưu cầu, vụ lợi.

Đơn cử, đêm 12-10-2019, một người nước ngoài mang quốc tịch Australia tên Brady Brian Patrick (SN 1983) điều khiển xe mô tô mang BKS 51V4-6989 trên quốc lộ 1A hướng Vinh - Hà Nội. Khi đến địa phận thị xã Hoàng Mai thì tự gây tai nạn, người bị thương nhẹ nhưng xe máy thì hư hỏng nặng.

Tổ tuần tra CSGT Công an thị xã Hoàng Mai đang làm nhiệm vụ gần đó, tiếp cận hiện trường, qua trao đổi được biết du khách này đang trên đường từ TP Vinh đi Hà Nội nhưng trong người không còn tiền để sửa xe. Ngay sau đó, tổ công tác đã hỗ trợ du khách, chở phương tiện đến cửa hàng sửa chữa xe máy. Không dừng lại ở đó, các anh còn góp tiền để hỗ trợ Brady sửa xe, ăn nghỉ và đủ hành trình ra đến Hà Nội.

Cảm kích trước sự giúp đỡ này, Brady chia sẻ: “Tôi rất biết ơn và ấn tượng trước tinh thần trách nhiệm cũng như sự mến khách của lực lượng công an thị xã Hoàng Mai. Họ đúng là những ân nhân của tôi. Nhất định tôi sẽ quay trở lại đây. Thật là một hành động đẹp”.

Ngoài những hành động đẹp của tập thể, những câu chuyện mang đậm dấu ấn cá nhân của mỗi CBCS trong Công an tỉnh Nghệ An cũng để lại những ấn tượng sâu sắc, xúc động trong quần chúng nhân dân. Đó là câu chuyện của Thượng úy Hoàng Thị Thảo, cán bộ Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an thị xã Cửa Lò.

Cán bộ Công an trao trả tài sản cho bị hại trong một vụ cướp giật.

Qua công tác cấp phát chứng minh nhân dân, Thượng úy Thảo biết đến hoàn cảnh éo le của anh Hoàng Văn Hà (SN 1987) trú tại khối 3, phường Nghi Hương, thị xã Cửa Lò. Anh Hà bị khuyết tật bẩm sinh, phải ngồi một chỗ nhưng hoàn cảnh gia đình quá éo le, ước mơ có được chiếc xe lăn để di chuyển nhưng trong nhiều năm qua, ước mơ ấy cứ mãi xa vời. Thương cảm, chị Thảo đã tích cóp, đồng thời vận động bạn bè, người dân địa phương chung tay giúp đỡ. Kết quả, ngoài chiếc xe lăn, gia đình anh Hà còn được trao tặng món quà 3 triệu đồng do các tấm lòng hảo tâm khác ủng hộ.

Liên quan đến câu chuyện cấp phát chứng minh nhân dân, trước đó Đại úy Trần Hùng Cường, cán bộ Công an huyện Anh Sơn trong quá trình tiếp dân tại bộ phận một cửa đã nhặt được chiếc ví tại hàng ghế nơi người dân ngồi chờ làm thủ tục. Sau khi báo cáo lãnh đạo, qua mở ví kiểm tra, phát hiện bên trong có 1.625.000 đồng nhưng không có giấy tờ gì khác.

Mặc dù vậy, bằng kinh nghiệm và trí nhớ của mình, cùng với việc rà soát hồ sơ đã cấp trong buổi sáng, bộ phận một cửa xác định được số tiền nêu trên là của bà Nguyễn Thị Lý (SN 1952), trú tại thôn Cây Chanh, xã Đỉnh Sơn, Anh Sơn. Đây là một người đàn bà có hoàn cảnh đặc biệt, bản thân là người tàn tật, nhà xa, đường sá đi lại khó khăn nên ngay sau đó, Đại úy Cường đã đến tận nhà trả lại tài sản để bà Lý đỡ phần vất vả khi đi lại.

Mới đây nhất là câu chuyện của Đại úy Nguyễn Sỹ Trường, Trưởng Công an xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương. Vừa chân ướt chân ráo đảm nhận chức vụ trưởng công an xã, Đại úy Trường biết được câu chuyện ông Trần Văn Long (SN 1954, trú trên địa bàn xã) có ý định từ bỏ đứa con trai lớn Trần Văn Tuấn vì anh này thường xuyên xung khắc với bố, thậm chí gần đây còn gây gổ, xích mích với đấng sinh thành của mình, sau đó bỏ bê học hành, đi biệt.

Biết chuyện, Đại úy Trường đã gặp gỡ riêng từng người, lắng nghe, chia sẻ sau đó tìm lỗ hổng trong quan hệ tình cảm giữa hai cha con để hàn gắn hai người. Mưa dầm thấm lâu, dần dà Đại úy Nguyễn Sỹ Trường đã làm cầu nối để hai cha con xích lại gần nhau hơn. Qua nhiều lần tiếp xúc, động viên, người con đã thay đổi, trở về nhà nói lời xin lỗi bố. Với ông Long, bản thân cũng thay đổi cách dạy dỗ con và đã cởi bỏ nỗi niềm u uất từ bấy lâu nay.

Trong lá thư cảm ơn gửi Trưởng Công an huyện Đô Lương, ông Long chia sẻ: “Gia đình tôi cũng mong đồng chí Trường tiếp tục giúp đỡ, thỉnh thoảng điện thoại tác động thêm để con trai tôi thay đổi nhận thức, nên người đặng phục vụ xã hội theo thời gian, năm tháng”. 

Mỗi năm, Công an Nghệ An có khoảng 1.500 việc tốt được biểu dương, khen  thưởng, trong đó phần lớn là những thành tích đột xuất của các cá nhân. Thống kê cho thấy, nhiều nhất vẫn là hành động nhặt được của rơi tìm người trả lại, phát hiện trẻ em và người già đi lạc, tìm cách liên hệ để trao trả về cho gia đình. Thiếu úy Nguyễn Văn Quý, cán bộ Công an thị xã Cửa Lò phát hiện cháu bé người Lào bị lạc đã tự mình chăm sóc, sau đó vận dụng, sử dụng vốn tiếng Lào sẵn có để nắm thông tin và trao trả cháu về với gia đình an toàn...

Những hành động, việc làm thiết thực của mỗi CBCS trong lực lượng Công an Nghệ An đã góp phần làm tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của lực lượng CAND nói chung, làm đẹp hơn lên hình ảnh những người chiến sĩ công an trên quê hương Bác Hồ đang miệt mài, tận tụy ngày đêm “vì nhân dân phục vụ”.

Thiên Thành

.
.