Hoàng Minh Đạo: Nhà tình báo tài năng và nhân hậu

08:39 18/12/2017
Hướng tới kỉ niệm 73 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (1944-2017), sáng 11/12, thầy và trò Trường Tiểu học Hoàng Minh Đạo vô cùng vinh dự và tự hào khi làm lễ động thổ dựng bức tượng nhà tình báo chiến lược tài năng Hoàng Minh Đạo trong khuôn viên trường. Dự kiến ngày 22/12 sẽ tiến hành lễ khai trương công trình này.


Hòa chung không khí đó, chúng ta cùng nhau nhìn lại chân dung Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - liệt sĩ Hoàng Minh Đạo - người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp thiêng liêng của Tổ quốc.

Nhà tình báo thiên bẩm

Nhà tình báo ấy có thật nhiều tên gọi. Đào Phúc Lộc (quê Móng Cái, Quảng Ninh) - tên húy do cha mẹ đặt lúc chào đời. Đồng đội gọi ông là Hoàng Minh Đạo, Năm Thu, Năm Đạo, Năm Đời, "ông Bộ Đời", Ba Bắc… Mỗi cái tên là một ý nghĩa, nhưng tất cả đều toát lên tài năng thao lược và đức độ của một nhà tình báo Anh hùng với những chiến công oanh liệt đã trở thành huyền thoại.

Cách mạng Tháng Tám thành công, Hoàng Minh Đạo nhận được lệnh về Hà Nội. Sau khi Phòng Tình báo thuộc Bộ Tổng Tham mưu được thành lập (25/10/1945), Hoàng Minh Đạo được phân công giữ chức Trưởng phòng Quân ủy Hội (tiền thân ngành Tình báo quân sự Việt Nam), nhiệm vụ nắm bắt tình hình quân Pháp, Nhật, Tưởng và bọn Việt quốc, Việt cách thân Tưởng. Với một nhóm cán bộ ít ỏi, cùng phương tiện liên lạc thô sơ, nhưng ông đã chủ động, chỉ đạo tổ chức mạng lưới tình báo rộng khắp từ nhà hàng, khách sạn, rạp hát, bưu điện đến cả "cài cắm người" trong các cơ quan của người Pháp, Hoa để sớm biết được âm mưu, ý đồ của địch, nhằm giúp cách mạng tìm cách đối phó.

Đào Phúc Lộc có công lớn về hoạt động tình báo trong những ngày đầu Toàn quốc Kháng chiến (năm 1946). Chính ông đã chỉ đạo đội quyết tử tấn công sân bay Gia Lâm, phá hủy hai máy bay giặc trong đêm 19/12/1946 làm cho quân đội Pháp choáng váng, chấn động dư luận trong và ngoài nước.

Chỉ sau hai năm (1945 - 1947), Đào Phúc Lộc đã nắm được các cơ sở tình báo quân đội ở miền Bắc và các khu IV, V, VI, cùng phối hợp với lực lượng Công an sử dụng nguồn tin do quần chúng cung cấp hằng ngày để gửi cấp trên. Phòng Tình báo Bộ Tổng tham mưu do ông chỉ đạo đã có mạng lưới đặt tại 23 tỉnh, thành thuộc Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đến Thừa Thiên.

Nhà tình báo tài năng Hoàng Minh Đạo.

Đầu năm 1948, Hoàng Minh Đạo (bí danh Năm Thu) nhận được lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào Nam với nhiệm vụ là Đặc phái viên của Bộ Tổng tham mưu đi kiểm tra tình hình công tác phản gián, tình báo, quân báo từ khu IV đến Nam Bộ, nhằm kiện toàn tổ chức ngành Tình báo từ Trung ương đến địa phương và ngược lại để Cục có điều kiện chỉ đạo Tình báo toàn quốc. Hoàng Minh Đạo đích thân mở thêm nhiều lớp tập huấn, khóa đào tạo để tăng cường nguồn cán bộ cho ngành Tình báo quân sự của ta trong tình hình mới tại các tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phan Thiết, Bình Thuận, hay Hậu Mỹ - Mỹ Tho giáp ranh Đồng Tháp và Tiền Giang.

Việc đào tạo có cả sự tham gia giảng dạy của sĩ quan tình báo người Nhật do du kích của ta bắt được và cảm hóa, với nội dung thiết thực như: tổ chức hoạt động nội thành, xây dựng mạng lưới cơ sở, nghiệp vụ an toàn, hệ thống giao liên, thành lập đường dây liên lạc, nghiên cứu địch tình, cài người vào tổ chức của địch...

Đặc biệt, trong những năm đầu chống Mỹ - ngụy, ông đã trở thành nhân vật nòng cốt sáng lập ra Ban địch tình Xứ ủy và tổ chức binh vận vào những thời điểm cam go ác liệt nhất, từ chiến dịch tố Cộng - diệt Cộng của chính quyền Ngô Đình Diệm đến cao trào của quân đội Mỹ và chư hầu tham chiến tại miền Nam Việt Nam. Trên cả hai trận tuyến thầm lặng này, ông luôn tỏ ra là một nhà tình báo sắc sảo với tầm nhìn chiến lược, sáng tạo và đầy tài năng, ông đã đúc kết nhiều kinh nghiệm và tổng kết thực tiễn để trở thành cơ sở lý luận định hướng phát triển cho ngành Tình báo của ta sau này, góp phần thiết thực vào thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của toàn dân tộc. 

Bản thân Hoàng Minh Đạo cũng như nhiều cán bộ chỉ huy quân sự của ta chưa từng được qua các trường đào tạo về quân sự, đặc biệt là hoạt động tình báo, nhưng nhờ trí thông minh, lòng yêu nước, ham học hỏi và qua thực tế chiến đấu, ông đã tự đào tạo mình thành một nhà tình báo xuất sắc và chính ông cũng xây dựng, đào tạo rất nhiều chiến sĩ tình báo của ta góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc.

Một trái tim nhân hậu

Đầu năm 1950, trong hàng ngũ cách mạng có 34 đồng chí cán bộ gồm tỉnh ủy viên, huyện ủy viên, và cả những người vừa mới vượt ngục trở về, bị Phân Liên khu miền Đông nghi "hoạt động hai mang". Mọi bằng chứng dường như đã rõ ràng, Bộ Tư lệnh yêu cầu xử ngay. Nhưng nhờ linh cảm đặc biệt của mình, Hoàng Minh Đạo đã không tin 34 đồng chí của mình là gián điệp. Bởi đây là sự việc cực kỳ hệ trọng nếu không nói là "tày đình". Sau nhiều đêm suy nghĩ, Hoàng Minh Đạo quyết định báo cáo với Bộ Tư lệnh được chịu trách nhiệm về vụ án này và xin gia hạn thêm thời gian để điều tra, xác minh lại từ đầu, tránh hàm oan cho các đồng chí mình.

Để làm rõ vụ án, Hoàng Minh Đạo giao cho Đinh Văn Ninh (tức Sáu Ninh) người rất tin cậy, trực tiếp điều tra từng hồ sơ, thẩm vấn và minh xét từng người trong điều kiện giặc ruồng bố liên miên, cuối cùng Sáu Ninh đã có bản kết luận điều tra. Hoàng Minh Đạo đã không kìm nén được sự xúc động và nói với Sáu Ninh: "Cậu đã làm được điều mình suy nghĩ và mong đợi. Các anh em đồng chí của mình không có ai làm gián điệp tay sai cho giặc cả, mà chỉ là do hiểu lầm", sau đó 34 người được trắng án.

 "Buổi lễ tuyên bố trả lại tự do cho 34 đồng chí, mọi người ôm nhau khóc, họ nói không có anh Năm Thu, anh Sáu Ninh, chúng tôi đã ra pháp trường với tội danh phản bội Tổ quốc, các anh đã sinh ra chúng tôi lần thứ hai" (Hồi ức của Sáu Ninh- nguyên Trưởng ban Quân báo khu 8 thời chống Pháp).

Là một nhà tình báo rất can trường và dũng cảm. Tuy nhiên khi nói về gia đình, ông luôn xúc động, yếu mềm. Ngay cái tên hoạt động tình báo Hoàng Minh Đạo cũng xuất phát từ tên Hoàng Minh Phụng - người vợ thân yêu của ông. Rồi trong đêm định mệnh của mình, ông Hoàng Minh Đạo cũng mang theo bức thư con gái gửi chưa kịp đọc hòa vào dòng sông Vàm Cỏ.

Câu chuyện được ông Ba Bê (nguyên Thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh) kể lại về ước mơ bình dị của Hoàng Minh Đạo là "Mình ao ước sao cho ngày chiến thắng đến nhanh, để số anh em này quay về quê hương, sớm gặp lại gia đình. Cũng như mình được gặp lại các con của mình". Ông còn đập đập tay vào ba lô rồi nói: "Tớ vừa nhận thư con gái do giao liên chuyển mà chưa kịp đọc trước khi lên đường".

Sau này để tìm hiểu sâu về cuộc đời cách mạng và sự hy sinh của người cha trong 40 năm, bà Minh Vân (con gái ông Hoàng Minh Đạo) lần lượt gặp hơn 400 đồng đội, bạn bè cũ của ông để nghe, ghi chép, chia sẻ. Đó là những cộng sự từng đồng hành cùng ông trải qua nhiều lĩnh vực: quân báo, tình báo, địch tình, binh vận và biệt động.

Bà Minh Vân đã đọc hàng nghìn trang tài liệu gồm thư từ, báo chí, các cuốn hồi kí cách mạng của ta và còn đến tận nước Mỹ xa xôi, lục tìm tư liệu tại Trung tâm Vietnam Archive của Đại học Texas Tech. Bà cũng từng gặp Wendell Medlin (cựu binh Hải quân tham chiến ở Vàm Cỏ Đông từ năm 1969 - 1970). Wendell Medlin là người rất cứng rắn nhưng khi gặp bà, ông cũng không kìm nén được sự xúc động. Wendell Medlin hỏi: "Bà có ghét tôi không?".

Bà hiền từ đáp: "Không, tôi đi tìm lịch sử của cha tôi chứ tôi không hằn thù người Mỹ". Wendell nói: "Điều tôi muốn chia sẻ là cha bà đã chiến đấu vì một mục tiêu cao cả, còn chúng tôi chiến đấu, bắn giết chỉ để sống sót trở về". Wendell Medlin run rẩy không nói được nữa.

Cho đến tận tháng 4 năm 2010, sau bao năm chờ đợi, bà đã tìm thấy tài liệu hải trình của quân đội Mỹ xác nhận những thông tin về trận chiến cuối cùng của cha mình và đồng đội trên sông Vàm Cỏ. Trong tài liệu này ghi rõ lực lượng tuần tra trên sông (PBR) thuộc Sư đoàn hải quân RIVDIV 552 Mỹ đã phục kích tại một địa điểm mà Việt Cộng hay qua lại trên sông Vàm Cỏ. Khi phát hiện tàu Việt Cộng, chúng đã nã đạn và cũng bị bắn trả rất quyết liệt. Chỉ đến khi có viện binh gồm pháo, các lực lượng hải quân trực thăng Seawolf, Black Ponies, lính lục quân và lực lượng không quân chiến lược TACAIR cùng đến hỗ trợ, các lực lượng tuần tra quân đội Mỹ mới hạ được Việt Cộng.

Mặc dù cuộc chiến không cân sức, nhưng ông Hoàng Minh Đạo đã cùng đồng đội của mình chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và hy sinh anh dũng trên dòng sông Vàm Cỏ Đông. Năm 1975, đất nước thống nhất, cả dân tộc ca khúc khải hoàn nhưng ông không còn trên cõi đời để gặp lại những người thân trong gia đình, mơ về ngày sum họp và đoàn tụ…

Tổ quốc nhớ ơn nhà tình báo huyền thoại

Ghi nhớ công lao của liệt sĩ Đào Phúc Lộc (Hoàng Minh Đạo), Đảng và Nhà nước đã truy tặng ông danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương Hồ Chí Minh. Đây là phần thưởng cao quý nhất nhằm vinh danh tên tuổi vị "Thủ trưởng đầu tiên" của ngành Tình báo QĐND Việt Nam.

Ngoài ra, tên của ông còn được đặt làm tên đường, tên trường ở TP Móng Cái (Quảng Ninh), TP Hồ Chí Minh và dựng thành phim "Con đường sáng" để ghi nhớ công ơn của nhà tình báo huyền thoại.

Một điều vô cùng tự hào, đó là ngày 22/12/2017, thầy và trò Trường Tiểu học Hoàng Minh Đạo (thuộc quận 8 - TP Hồ Chí Minh) sẽ vinh dự được đón nhận bức tượng chân dung nhà tình báo chiến lược Hoàng Minh Đạo. Bức tượng được đặt trong khuôn viên nhà trường nhằm khơi dậy lòng yêu nước trong mỗi học sinh và thể hiện tấm lòng, sự tri ân của thế hệ trẻ hôm nay đối với người anh hùng huyền thoại đã hy sinh cả cuộc đời mình cho độc lập dân tộc.

Ông Hoàng Minh Đạo - đúng như tên cách mạng với ý nghĩa "con đường sáng", con đường mà ông lựa chọn đã góp phần xua tan bóng tối của giặc ngoại xâm, thắp sáng lên niềm hy vọng trong mỗi chúng ta cùng sự quyết tâm, đồng lòng bảo vệ Tổ quốc.

Nguyễn Kim Thành

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文