Một nhạc sỹ đặc sắc của thôn dân

08:49 19/01/2019
Đã biết và hâm mộ nhạc sỹ nào thì tôi hay tìm hiểu về họ, đặc biệt là bút pháp, phong cách sáng tác để học hỏi. Và Văn Chung là một trong những nhạc sỹ tôi tìm đến...


Tôi còn nhớ rất rõ: Vào khoảng những năm 1952 - 1953, tại một vùng quê hẻo lánh của huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, người ta dựng các lán, trại cho thương binh đến ở. Đây là số thương binh không thể tiếp tục cầm súng ngoài mặt trận, được đưa về hậu cứ để chữa trị. Các sinh hoạt văn nghệ luôn được tổ chức để anh em có cuộc sống tinh thần tốt, mau chóng phục hồi sức khỏe.

Những đêm văn nghệ như thế được bà con đến xem rất đông. Lũ "nhóc" như tôi khi ấy cực kỳ thích thú. Tôi thuộc lòng một bài hát vì hầu như buổi văn nghệ nào như vậy cũng có một cặp nam, "nữ" ra song ca (nam đóng giả nữ vì không có nữ): "Cày sâu cuốc bẫm xong rồi, người dân cày thi đua, thi đua đắp bờ tát nước, cùng tát nước với chiếc gầu dai…". Cặp trai, "gái" thương binh hát bài này khiến người xem rất thú vị, cười nghiêng ngả.

Sau hòa bình lập lại (1954), tôi lại cũng nhập tâm mấy bài hát thiếu nhi:  "Lỳ và Sáo", "Đếm sao", "Lượn tròn, lượn khéo", "Trăng theo em rước đèn"… Mãi về sau này, khi là sinh viên, tập toạng sáng tác âm nhạc thì hay để ý đến các nhạc sỹ nổi tiếng, có những bài hát mình ưa thích, tôi mới biết những bài hát trên là của cùng một tác giả: Văn Chung.

Cố nhạc sỹ Văn Chung.

Đã biết và hâm mộ nhạc sỹ nào thì tôi hay tìm hiểu về họ, đặc biệt là bút pháp, phong cách sáng tác để học hỏi. Và Văn Chung là một trong những nhạc sỹ tôi tìm đến. Ngày ấy, ông sống ở phố Lê Thánh Tông, gần Trường Đại học Tổng hợp (cơ sở 1) và làm Giám đốc Nhà hát Giao hưởng hợp xướng Nhạc vũ kịch Việt Nam.

Chưa gặp, chỉ nghe các ca khúc của Văn Chung (cả người lớn lẫn thiếu nhi), thấy giai điệu có âm hưởng rất dân tộc, lại mềm mại, duyên dáng, tôi cứ hình dung tác giả khác hẳn khi gặp mặt. Thoạt nhìn, dễ nghĩ ông là một cán bộ tổ chức hoặc nhà giáo mô phạm, khô khan. Nhưng tiếp xúc lâu, nhất là khi đã trở nên thân thiết, lại thấy ông hoàn toàn khác: Rất tình cảm, trìu mến, ân cần, giản dị, hòa đồng, không một chút khách sáo, rườm rà và rất thẳng thắn.

Ở nước ta, không nhiều nhạc sỹ được coi là của một đối tượng công chúng riêng nào đó bởi phần nhiều họ sáng tác dành cho mọi đối tượng, viết về rất nhiều đề tài. Vậy nên để có thể gọi được là nhạc sỹ (hoặc nhà thơ, nhà văn, họa sỹ…) của một đối tượng cụ thể nào đó thì phải có hai yếu tố: Một là, phải có nhiều tác phẩm (số lượng).

Hai là phải xuất sắc, được đối tượng đó yêu thích, tán thưởng (chất lượng). Riêng với nông dân, từ trước đến nay chỉ có 4 nhạc sỹ được coi là "Nhạc sỹ của nông dân". Đó là Văn Chung, Lê Lôi, Nguyễn Văn Tý và Thái Cơ (xếp theo thứ tự tuổi tác). Cả bốn vị đều có những ca khúc hay được bà con nông dân rất ưa thích. Nhưng riêng Văn Chung thì bên cạnh chất lượng đặc sắc, có số lượng nhiều hơn hẳn.

Ngoài bài vừa dẫn có tên "Hò dân cày" sáng tác trong kháng chiến chống Pháp, ông còn có một loạt bài nổi tiếng được công chúng truyền tụng một thời. Đó là "Gái thôn Đoài, trai thôn Thượng". Và riêng về công việc đi cấy của nông dân, ông có tới 4 bài, bài nào cũng có sức lan tỏa: "Lúa cấy thẳng hàng", "Cấy lúa xuân", "Ba cô gái đảm" và "Tính hẹn cùng tình".

Những ai yêu thích âm nhạc, đặc biệt là nông dân sống ở những thập niên 60-70 của thế kỷ 20 không thể không biết những bài hát này. Có lần tôi hỏi ông, vì sao ông viết những 4 bài về cấy lúa như vậy thì ông cho biết công việc này chỉ nữ làm, mà ông lại muốn nói đến người phụ nữ nông dân với những phẩm chất cao quý. Họ luôn tần tảo, vất vả, vừa cáng đáng việc đồng áng, vừa sẵn sàng chiến đấu mỗi khi có máy bay của địch xâm phạm bầu trời quê hương.

Để được nông dân ưa thích, các ca khúc phải thấm đượm âm hưởng dân gian. Ngôn ngữ âm nhạc phải bám chặt vào các chất liệu truyền thống. Văn Chung luôn ý thức rất sâu sắc điều này trong mọi tác phẩm của mình. Ngoại trừ hai bài là "Từng bước đi vững chắc" viết sau ngày đế quốc Mỹ gây hấn (5/8/1964) và "Hồ Vị Xuyên" - một ca khúc dành cho tuổi trẻ - thì hầu như tất cả các sáng tác của ông đều có chất liệu là các làn điệu chèo.

Rõ nhất là trường hợp bài "Quê tôi giải phóng" ông viết ngay sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc (1954). Từ hai câu thơ lục bát làm sẵn "Từ ngày giải phóng quê tôi, mít tinh lại họp rợp trời cò bay", ông bắt đầu bài hát rất tự nhiên rồi thêm mấy tiếng "ô là hô hoan hô" thật duyên dáng.

Toàn bộ bài hát nổi rõ chất liệu chèo, nhất là mấy câu "Ríu ra ríu rít từng đàn con trẻ dung dăng dung dẻ từng đàn con trẻ đi học ban ngày". Văn Chung là nhạc sỹ của nông dân. Cũng có thể nói ông là nhạc sỹ của đồng bằng Bắc Bộ vì hầu như toàn bộ các ca khúc của ông chỉ khai thác chất liệu dân ca khu vực này. Và có lẽ sau Phạm Duy, ông là người khai thác dân ca Bắc Bộ thành công nhất.

Lần đầu tiên được tiếp xúc với Văn Chung là khi tôi đang làm phóng viên văn nghệ ở một tờ báo, cách đây cũng đã hơn 40 năm. Tôi hỏi ông là vì sao ông cũng giống như nhiều nhạc sỹ khác tuy sinh ra ở một vùng quê nhưng cả cuộc đời thoát ly, đi bộ đội rồi sống và làm việc ở Thủ đô mà tác phẩm lại rất gần gũi với nông dân thì ông nói: "Rất dễ hiểu vì mình đặc biệt yêu thích dân ca, mà là dân ca đồng bằng Bắc Bộ với rất nhiều làn điệu hấp dẫn, mượt mà, tinh tế. Dân ca là gắn liền với các vùng quê, với nông dân. Từ ngàn đời nay, dân tộc Việt Nam ta chủ yếu là nông dân.

Tầng lớp thị dân cũng từ nông dân mà ra. Họ tràn từ thôn quê ra các đô thị kiếm sống rồi trở thành người thành thị. Như vậy thì gốc gác của họ cũng là nông dân". Ông căn dặn tôi như lời một người thầy nói với trò: "Cậu muốn theo đuổi con đường sáng tác âm nhạc thì không thể không am hiểu và thuộc nhiều làn điệu dân ca.

Cố nhạc sỹ Văn Chung thời trẻ.

Không yêu thích dân ca, tác phẩm viết ra không bắt nguồn từ chất liệu dân tộc thì không sống được lâu. Có thể rộ lên một thời gian rồi thì về lâu dài cũng sẽ lụi tắt". Tôi vô cùng tâm đắc lời khuyên đó và thực hiện mỗi khi sáng tác ca khúc. Nhưng sức lôi cuốn của những sáng tác của Văn Chung khiến không chỉ nông dân, lớp công chúng có tuổi tán thưởng mà lớp trẻ cũng ưa thích là ông không nệ ở ngũ cung là cấu tạo âm giai dân tộc mà mở rộng và lưu ý sáng tạo về tiết tấu để trở nên có hơi hướng hiện đại. Ngay bài "Quê tôi giải phóng" vừa nhắc ở trên cũng rất rộn rã, rất phù hợp với không khí các vùng quê khi vừa giải phóng mà tác giả diễn tả trong bài.

Văn Chung (1914 - 1984) thuộc lớp nhạc sỹ đầu đàn của nền tân nhạc Việt Nam, cùng thời với những tên tuổi như Nguyễn Xuân Khoát, Doãn Mẫn, Lê Yên. Ông bắt đầu sáng tác âm nhạc từ rất sớm. Năm 1935, ở tuổi 21, ông đã viết "Tiếng sáo chăn trâu". Ngay tác phẩm đầu tay này cũng đã thể hiện rõ khuynh hướng muốn nói về nông thôn của ông. Năm 1939, ông có bài "Bóng ai qua thềm" rất nổi tiếng, nằm trong những ca khúc tiêu biểu của dòng nhạc lãng mạn khi đó, ai cũng biết. Cũng năm này, ông là một thành viên trong nhóm thành lập Nhà xuất bản Tricéa là NXB Âm nhạc đầu tiên ở nước ta chuyên in ấn những bài hát của giới sáng tác.

Ngoài những bài viết về nông thôn, nông dân nói trên, Văn Chung còn những bài nổi tiếng khác mà bộ đội thời chống Pháp rất ưa thích: "Pì noọng ơi!", "Vào Đông Khê". Đặc biệt là bài "Đợi anh về" phổ thơ của nhà thơ Xôviết Ximônốp (Tố Hữu dịch). Chẳng những là nhạc sỹ của nông dân, ông còn được coi là nhạc sỹ của tuổi thơ với những bài có sức lan tỏa rộng rãi.

Hôm nay, ai ở tuổi từ 50 trở lên không thể không biết các bài ông sáng tác giành cho tuổi mầm non, nhi đồng: "Trăng theo em rước đèn", "Lượn tròn lượn khéo", "Sân trường em", "Dung dăng dung dẻ", "Chào cô ạ". Đặc biệt có bài "Đếm sao", không bé nào không biết ("Một ông sao sáng, hai ông sáng sao, ba ông sao sáng…").

Sinh thời, có lần ông đã rất cởi mở kể cho tôi nghe sự ra đời bài "Đếm sao" này. Đó là một lần ông chứng kiến một đứa trẻ đang tung tăng chạy nhảy. Bé này đúng bằng đứa con gái của ông khi mất. Hình ảnh đứa trẻ khiến ông nhớ lại con gái mình và trong lúc thương nhớ bé, ông đã viết nên bài hát chỉ trong rất ít phút.

Văn Chung quả là rất xứng đáng với Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật mà ông được truy tặng vào năm 2012. Trước đó, ông đã được nhận giải thưởng Nhà nước. Ông là một người bạn thân thiết của bộ đội và đặc biệt là nông dân Việt Nam. Với bà con, không dễ có một Văn Chung thứ hai.

PV

Trong 11 tháng đầu năm 2024, số ca chết não hiến tạng ở Việt Nam tăng gấp đôi năm 2023. Kể từ ca hiến tạng từ người cho chết não đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam vào năm 2008, đây là năm đạt kỷ lục cao nhất về số người chết não hiến tạng.

Chiều 15/11, Công an huyện Thăng Bình (Quảng Nam) cho biết, đã chuyển hồ sơ cùng 2 đối tượng Hồ Xuân Tâm (SN 1998) và Bùi Vinh Quang (SN 1993, cùng trú xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình) đến Phòng ANĐT Công an tỉnh Quảng Nam để tiếp tục điều tra, làm rõ về hành vi tàng trữ tiền giả.

Với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”, ngày 15/11, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Công an và Cơ quan của Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024.

Trong lúc nam thanh niên cầm lái xe máy chở người cha ruột ôm hai bình rượu rắn đi giao cho khách hàng thì bị phát hiện. Khám xét nơi ở của đối tượng, cơ quan điều tra thu giữ thêm nhiều tang vật có liên quan, nhưng phải 4 tháng sau đó, khi có kết luận giám định từ cơ quan chức năng mới khởi tố vụ án và bị can.

Ngày 14/11, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Vũ Đình Kiên - Giám đốc Công ty Cổ phần Thiên Nam về tội “Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên”

Ngày 15/11, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, quá trình đấu tranh mở rộng chuyên án “Tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên không gian mạng” liên quan đến đối tượng Shen Chia Chi (SN 1980, quốc tịch Đài Loan; tạm trú TP Hà Nội) mà Báo CAND đã đưa tin, đến nay cơ quan này đã khởi tố thêm 11 bị can.

Cựu Giám đốc và thuộc cấp Công ty 878 đã lập khống hồ sơ một công trình ở TP Hồ Chí Minh với số tiền gần 32 tỷ đồng và lập khống hồ sơ đối với công trình ở tỉnh Quảng Ngãi với số tiền hơn 2,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cựu Giám đốc Công ty 878 còn sử dụng 15 hóa đơn giá trị gia tăng không hợp pháp (hóa đơn khống) đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền thuế hơn 7,6 tỷ đồng…

Trước những vụ TNGT thương tâm mà các nạn nhân rơi vào “điểm mù” của xe tải, xe đầu kéo, các đội, trạm thuộc Phòng CSGT, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức tuyên truyền vận động chủ doanh nghiệp vận tải, tài xế của các phương tiện lắp đặt camera quan sát để hạn chế những tai nạn đáng tiếc…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文