Làm thế nào ngăn chặn “rác văn hóa” từ chương trình giải trí online?

08:31 23/06/2018
Phải nói rằng, đang có cuộc chạy đua "ngầm" giữa các chương trình giải trí trên mạng internet. Một số chương trình ra đời ban đầu thuần túy hài để gây cười, tạo không khí thư giãn, vui vẻ cho khán giả nhưng sau đó cũng dần chuyển hướng sang dùng yếu tố "sến, sốc, sex" để câu view.


Trong thời đại công nghệ số, các chương trình giải trí trên internet nở rộ. Điều đáng quan tâm là ngày càng nhiều chương trình bị đánh giá là vô bổ, nhảm nhí, thậm chí tục tĩu với những hành động lố bịch, khoe thân nóng bỏng của dàn trai xinh, gái đẹp.

Mặc dù vậy, khi đưa lên youtube, những chương trình này lại có hàng triệu, thậm chí là chục triệu lượt xem, chắc chắn trong số đó có rất nhiều các cô bé, cậu bé tuổi teen.

Cuộc "chạy đua" giành khán giả giữa các chương trình giải trí online

Nhiều người cho rằng, so với các chương trình giải trí trên truyền hình, giải trí online có nhiều lợi thế trong việc tiếp cận khán giả. Lợi thế này thể hiện ở chỗ, nhà sản xuất dễ dàng đăng ký thành lập các kênh giải trí trên mạng và đưa lên đó các sản phẩm của mình.

Việc kiểm soát các chương trình còn nhiều kẽ hở là "lợi thế cạnh tranh" của các chương trình giải trí online so với các chương trình giải trí trên truyền hình. Bên cạnh đó, trong thời kỳ bùng nổ công nghệ, khi điện thoại thông minh phổ cập ở mọi lứa tuổi thì chương trình giải trí online dễ dàng tiếp cận khán giả ở mọi nơi mọi lúc.

Người chơi tham gia các chương trình giải trí online thường phải thực hiện các thử thách kỳ quái, phản cảm. Trong ảnh, hot girl Lâm Á Hân thực hiện thử thách ăn sushi trên người Nhikolai Đinh trong chương trình "Dare Pong" tập 1.

Phải nói rằng, đang có cuộc chạy đua "ngầm" giữa các chương trình giải trí trên mạng internet. Một số chương trình ra đời ban đầu thuần túy hài để gây cười, tạo không khí thư giãn, vui vẻ cho khán giả nhưng sau đó cũng dần chuyển hướng sang dùng yếu tố "sến, sốc, sex" để câu view.

Cuộc cạnh tranh để giành thị phần giải trí online ngày càng trở nên khốc liệt. Nếu chương trình không có gì mới lạ, khác biệt kể cả theo nghĩa tích cực và tiêu cực thì các chương trình giải trí sẽ "chết yểu" ngay từ khi ra mắt.

Đặc điểm chung dễ nhận thấy trong các chương trình giải trí được đưa lên youtube hiện nay là có sự tham gia của dàn "trai xinh, gái đẹp", hot boy, hot girl đang được chú ý trên mạng xã hội. Hot girl thường xuất hiện trong những bộ trang phục mát mẻ, "tiết kiệm vải", "bức tử vòng 1" trong khi hot boy luôn có "cớ" để khoe thân hình cơ bắp, "sáu múi". Câu chuyện được đề cập trong clip luôn là những vấn đề nóng mà nhiều bạn trẻ quan tâm vì tò mò, nhất là chuyện quan hệ nam nữ, yêu đương…

Các chương trình giải trí online đa dạng nhưng phổ biến nhất hiện nay là trò chơi thử thách và talkshow. Những thử thách được đặt ra thường là những yêu cầu, hành động kỳ quái, thô tục, khiến nhiều người liên tưởng đến vấn đề nam nữ nhạy cảm, thực sự không phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa người Việt.

Trong khi các bạn trẻ không ngần ngại, thậm chí là rất tự tin thể hiện những thử thách mà chương trình đặt ra thì người xem thực sự cảm thấy "nóng mắt". Những thử thách mà người chơi thể hiện không khác gì thước phim cấp ba, rất phản cảm.

Những cô gái xinh đẹp ăn mặc hở hang tự tin đề cập đến những vấn đề nhạy cảm trước ống kính. Họ tự nhiên nói chuyện, so sánh dưa chuột, chuối với lời lẽ, thái độ rất dễ "gây hiểu nhầm". Mặc dù trong xã hội hiện đại, suy nghĩ của các bạn trẻ về vấn đề giới tính "thoáng" hơn. Các bạn tự do, thẳng thắn bày tỏ quan điểm cá nhân của mình nhưng việc lạm dụng, khai thác các vấn đề nhạy cảm một cách thái quá khiến chương trình trở nên phản cảm. 

Bên cạnh đó, nhiều người chơi trong chương trình còn vô tư văng tục, nói những từ ngữ nhạy cảm khiến nhà tổ chức chương trình phải đánh dấu đứt quãng vào phần phụ đề chạy phía trước màn hình. Các chương trình giải trí đáng lẽ ra phải là những sản phẩm văn hóa, truyền bá những giá trị văn hóa tốt đẹp đến cộng đồng thì rất nhiều sản phẩm giải trí online lại trở thành "rác văn hóa", không thể chấp nhận được.

Câu hỏi đặt ra là, với chức năng của một sản phẩm văn hóa, ngoài tính giải trí thì tính giáo dục, định hướng thẩm mỹ của các chương trình ở đâu? Có lẽ, dưới mọi góc độ, không thể tìm thấy tính giáo dục của các chương trình giải trí online. Nhiều khán giả nói vui rằng, tính giáo dục rõ nét trong các chương trình giải trí này chính là "giáo dục giới tính".

Bài toán chưa có lời giải

Điều đáng quan tâm là những chương trình giải trí online có sức hút rất lớn với khán giả. Đơn cử như tập 1 của "Dare Pong" phát sóng trên youtube hôm 15/4/2018 hiện thu hút hơn 7 triệu lượt xem. Những tập khác của "Dare Pong" đều thu hút vài triệu lượt xem. Tương tự như vậy, những clip  được đăng tải trên một số kênh giải trí hot hàng đầu hiện nay như "Vitamin Girl" , "Tả pí lù", "Bùm TV", "Art TV"… cũng luôn có hàng triệu lượt xem. Chắc chắn, phần lớn trong số này là những khán giả trẻ tuổi.

Ăn mặc phản cảm, nói năng tục tĩu xuất hiện phổ biến trong các chương trình giải trí online hiện nay. Trong ảnh: những cô nàng nóng bỏng trong series "Hot girl đại chiến" của kênh "Vitamin Girl".

Nhiều khán giả cho rằng, việc kiểm soát các sản phẩm giải trí đưa lên mạng internet đang bị thả nổi. Không có lời cảnh báo hoặc giới hạn nào khi truy cập và xem các chương trình này. Ở lĩnh vực điện ảnh, mỗi bộ phim khi ra rạp đều có hội đồng thẩm định duyệt phim và dán nhãn phổ biến ở các mức độ khác nhau như P (phim phù hợp với khán giả ở mọi lứa tuổi), C13 (phim cho khán giả từ 13 tuổi trở lên), C16 (phim cho khán giả từ 16 tuổi trở lên), C18 (phim cho khán giả từ 18 tuổi trở lên).

Trong khi đó, các sản phẩm được đưa lên mạng một cách tràn lan, tự do. Sự phát triển mạnh mẽ của internet đã tạo điều kiện thuận lợi để nhiều đơn vị, cá nhân dễ dàng đăng tải những chương trình giải trí có yếu tố phản cảm. Các từ ngữ, thử thách, trò chơi đều khiến khán giả liên tưởng đến những bộ phận nhạy cảm, chuyện riêng tư của đôi trai gái vốn được coi là "chuyện thầm kín" lại được phô bày trước rất nhiều khán giả.

Câu hỏi đặt ra là, việc đăng tải những hình ảnh, clip thiếu tính giáo dục, phản văn hóa đang tràn lan trên mạng internet có ảnh hưởng gì đến sự phát triển của xã hội hay không. Tôi cho rằng, đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là giới trẻ, những cô bé, cậu bé còn ở độ tuổi thanh thiếu niên. Những câu chuyện vui vẻ, hành động, lời nói suồng sã, phản cảm tưởng như "vô thưởng vô phạt đó" sẽ dần nhiễm vào đầu và ảnh hưởng đến thái độ ứng xử, hành vi, lối sống của giới trẻ.

Làm thế nào để ngăn chặn sản phẩm "rác văn hóa" là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Trông chờ vào công tác quản lý và kiểm duyệt e là không khả thi bởi thực tế cho thấy, ngay cả một số chương trình giải trí được phát sóng trên truyền hình quốc gia và địa phương cũng bị chỉ trích vì phản cảm chứ chưa nói gì đến những sản phẩm trên mạng. Trách nhiệm của mỗi gia đình trong việc giáo dục, định hướng là điều hết sức cần thiết nhưng với sự bùng nổ công nghệ như hiện nay thì không gì có thể đảm bảo rằng, con em chúng ta không xem và bị ảnh hưởng bởi những chương trình giải trí phản cảm.

Kêu gọi những nhà sản xuất chương trình "có tâm" cũng là giải pháp không khả thi bởi lẽ, với họ, lợi nhuận mới là động lực, mục đích tối thượng. Như trên đã trình bày, cuộc cạnh tranh giữa các nhà sản xuất chương trình giải trí online ngày càng khốc liệt khi "miếng bánh" thị phần bị chia nhỏ. Nhà sản xuất cần có khán giả. Lượng người xem đông, lượt like, chia sẻ nhiều đồng nghĩa với kinh phí quảng cáo tăng và lợi nhuận nhà sản xuất thu được cũng tăng theo.

Chính vì vậy, để thu hút khán giả, các nhà sản xuất chương trình giải trí online phải không ngừng tìm kiếm những chiêu trò, đề tài mới đánh trúng thị hiếu, sự tò mò của khán giả. Đôi khi lựa chọn vấn đề gây tranh cãi cũng là chủ đích của nhà sản xuất bởi qua đó mà chương trình nhận được sự quan tâm nhiều hơn của công chúng. Phân tích như vậy để thấy rằng, xem ra, giải pháp cho vấn đề "rác văn hóa" từ các chương trình giải trí online vẫn là bài toán chưa có lời giải đáp.

Tường Phạm

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文