Độc đáo văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên
Nét đẹp của văn hóa cồng chiêng
Không gian văn hóa cồng chiêng trải rộng trên cả 5 tỉnh Tây Nguyên: Gia Lai, Đắk Lắk, Đăk Nông, Lâm Đồng và Kon Tum. Chủ nhân của loại hình văn hóa này là cư dân các dân tộc: Bahnar, Jarai, Xê Đăng, Mơ Nông, Cơ Ho, Ê Đê, Chu Ru... Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống tinh thần của người Tây Nguyên. Vậy, cồng chiêng Tây Nguyên có từ bao giờ?
Chưa có công trình nào nghiên cứu về xuất xứ của cồng chiêng. Người ta chỉ biết rằng nó có từ lâu lắm. Nó đã ngân vang trong sử thi Đam San như để khẳng định tính trường tồn của loại nhạc cụ này: "Hãy đánh những chiêng âm thanh hay nhất. Đánh nhè nhẹ cho gió đưa xuống đất. Đánh cho tiếng chiêng vang xa khắp xứ. Đánh cho tiếng chiêng vượt qua nhà vọng lên trời. Đánh cho khỉ trên cây cũng quên bám chặt vào cành đến phải ngã xuống đất. Đánh cho ma quỷ mê mải nghe đến quên làm hại con người. Đánh cho chuột sóc quên đào hang, cho rắn nằm ngay đơ, cho thỏ phải giật mình, cho hươu nai đứng nghe quên ăn cỏ,...".
Dàn cồng chiêng Tây Nguyên. |
Cồng chiêng Tây Nguyên rất đa dạng, phong phú, nó có sức cuốn hút kỳ lạ; mỗi lần nó được tấu lên, không gian như ngưng đọng, chỉ còn sức lan tỏa kỳ diệu của âm thanh. Từ ngàn đời nay, qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, âm thanh cồng chiêng không bao giờ ngừng ngân vang, vẫn hòa quyện cùng gió núi, mây ngàn, nuôi dưỡng tâm hồn người Tây Nguyên.
Tiếng cồng chiêng không chỉ nhằm giao lưu với các thần linh, thông tin đến họ hàng, bè bạn mà còn là tiếng nói tâm linh, là tâm hồn cao nguyên đầy trữ tình và cháy bỏng khát vọng yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống của con người. Nếu nhà Rông là hồn của buôn làng Tây Nguyên thì cồng chiêng chính là hồn thiêng của núi rừng, là món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào Tây Nguyên.
Vào mùa lễ hội, Tây Nguyên rộn ràng tiếng cồng chiêng. Đêm đêm, âm thanh cồng chiêng từ các buôn làng vọng lại luôn làm xao xuyến lòng người. Tiếng cồng chiêng đi theo con người từ lúc lọt lòng cho đến khi về với mẹ đất: "Lọt lòng mẹ tiếng cồng chiêng đã khai thông cho đứa bé nhận ra sự ra đời của nó qua lễ hội thổi tai. Cứ thế, đưa bé lớn dần theo nhịp cồng chiêng âm vang của lễ hội vòng đời,…
Nằm trên lưng mẹ, bé cũng được âm hưởng cồng chiêng cho nghe những giai điệu náo nức của lễ hội trồng cây, phát rẫy, trỉa lúa, đâm trâu mừng nhà rông mới, sửa bến nước, xua đuổi bệnh tật… Cho đến khi giã từ trần gian về cõi vĩnh hằng yên nghỉ, tiếng cồng chiêng u hoài, thương tiếc tiễn đưa vẫn như còn lưu luyến níu kéo chân người ở lại".
Theo quan niệm của người Tây Nguyên, đằng sau mỗi chiếc cồng, chiêng đều ẩn chứa một vị thần. Cồng chiêng càng cổ thì quyền lực của vị thần càng cao. Vào những đêm hội, hình ảnh những vòng người nhảy múa quanh ngọn lửa thiêng, bên những vò rượu cần trong tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng, tạo cho Tây Nguyên một không gian lãng mạn, huyền ảo và hùng tráng.
Hình như âm thanh cồng chiêng không chỉ là tiếng vọng của sông núi Tây Nguyên, nó còn là tiếng vọng của truyền thống, của đất nước, của quê hương, của cội nguồn dân tộc…; nó có một sợi dây vô hình nối giữa quá khứ và hiện tại, nối nền văn hóa của một dân tộc với văn hóa quốc gia.
Âm thanh cồng chiêng Tây Nguyên thể hiện trình độ điêu luyện của người chơi trong việc áp dụng những kỹ năng đánh chiêng và kỹ năng chế tác. Những người dân dẫu không qua trường lớp đào tạo âm nhạc nhưng vẫn thể hiện được những cách chơi điêu luyện tuyệt vời. Do đó, cồng chiêng từ giá trị vật chất trở thành một giá trị tinh thần cao cả, vĩnh cửu.
Ngoài cái hay của âm thanh chiêng, nó còn có cái đẹp của người đánh chiêng về cả tâm hồn và hình thể. Ngoài ra, nét đặc sắc của cồng chiêng Tây Nguyên so với cồng chiêng của một số nước trong khu vực là nó chưa bị biến thành chuyên nghiệp hóa, vẫn tồn tại một đời sống dung dị nơi p'lei, p'lơi, buôn, bon,… của đồng bào dân tộc Tây Nguyên.
Lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên. |
Bao giờ cũng thế, nghệ nhân sử dụng cồng chiêng là người tài hoa nhất của buôn làng. Nếu ví sinh hoạt âm nhạc Tây Nguyên truyền thống như một cái cây, thì cồng chiêng là gốc rễ, là thân cây. Còn hát và các nhạc cụ khác chỉ là lá, cành, hoa, trái…
Nhiều bộ chiêng quý phải đổi bằng ba bốn chục trâu, thậm chí bằng voi. Cồng chiêng vì thế, còn là tài sản quý giá của người Tây Nguyên. Gọi chung là cồng chiêng Tây Nguyên, nhưng thực ra từng dân tộc có cách chơi riêng, có sự khác nhau rất rõ giữa các điệu cũng như cách diễn tấu. Chiêng Bahnar trầm hùng mà trữ tình; chiêng Jarai náo nức hội hè; chiêng Xê Đăng uy dũng, thượng võ nghe ngun ngút như núi cao dốc thẳm; chiêng Ma, Lạch, Mơ Nông buồn thổn thức, như đêm là đà trên đỉnh Lang Bian, rủ rỉ tâm tình những câu chuyện dài không dứt; chiêng Êđê mạnh mẽ, sục sôi, dứt khoát như tính cách của chàng Đam San đi bắt nữ thần mặt trời ngày nào…
Giai điệu khác nhau nên mỗi dân tộc đều có kết cấu dàn cồng chiêng khác nhau, đa phần là nam nhưng cũng có dân tộc cả phụ nữ tham gia đánh chiêng; mỗi dàn có ít nhất là 2 chiếc, nhiều nhất là 12 chiếc kết hợp cả cồng và chiêng (cồng có núm, chiêng không có núm).
Theo đó, mỗi dân tộc Tây Nguyên có cách chơi và cách chỉnh chiêng khác nhau (Nghệ nhân không tự đúc cồng chiêng nhưng họ là bậc thầy trong việc chỉnh tần số âm thanh cho cồng chiêng). Những người dân bình thường ở Tây Nguyên chỉ cần nghe tiếng chiêng là họ phân biệt được đó là dân tộc nào.
Trong cuộc đời của mỗi người thường có những âm thanh đi vào ký ức. Người Tây Nguyên càng như vậy, cồng chiêng đã trở thành nỗi niềm da diết, gợi nhớ tình cảm buôn làng. Có nhiều người lầm đường theo bọn phản động FULRO, nhưng vì quá nhớ và thèm được nghe tiếng cồng chiêng mà đã quay về, được giáo dục thức tỉnh.
Và những giá trị cần được giữ gìn, phát huy
Được đánh cồng chiêng, múa xoang là hạnh phúc của người Tây Nguyên. Họ sống không chỉ vì miếng cơm manh áo mà còn để sinh hoạt cồng chiêng trong những lễ hội phong phú kéo dài cả một mùa "ăn năm, uống tháng". Người Tây Nguyên đánh cồng chiêng là để tâm tình với nhau, để giao lưu với thần linh, để đưa tiễn người thân về cõi vĩnh hằng…
Cho nên, cồng chiêng gắn liền với không gian buôn làng, với nhà rông và ánh lửa bập bùng huyền bí, linh thiêng. Điều này có thể nói, cồng chiêng chính là sợi dây vô hình đoàn kết đồng bào Tây Nguyên. Do đó, cần phải thắt chặt tình đoàn kết này trong khối đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm ANTT khu vực Tây Nguyên.
Mặc dù đã được UNESCO công nhận là Di sản kiệt tác truyền khẩu và văn hóa phi vật thể của nhân loại từ năm 2006, nhưng hiện nay, cồng chiêng Tây Nguyên vẫn có nguy cơ bị mai một, thương mại hóa. Trước hết, đó là những nguyên nhân bắt nguồn từ những biến đổi hết sức lớn lao trong đời sống vật chất và tinh thần của cư dân, cùng với những biến đổi của môi trường tự nhiên, xã hội, phương thức canh tác; thay đổi trong mối quan hệ giữa con người với con người; sự bùng nổ công nghệ thông tin, sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động,…
Những tác động đó dẫn đến sự thờ ơ của một bộ phận dân cư, nhất là tầng lớp trẻ đối với văn hóa cồng chiêng. Do đó, công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức gìn giữ, niềm tự hào về văn hóa cộng đồng, dân tộc là một trách nhiệm hết sức nặng nề và to lớn đặt lên vai tất cả người dân Việt Nam. Trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa cho dân tộc và cho nhân loại - điều mà lâu nay nhiều người chưa thấy hết.
Đồng thời, cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ bảo tồn giá trị văn hóa này ở các tỉnh Tây Nguyên; không được làm thay đổi mà phải giữ gìn, trả cồng chiêng về đúng không gian cội nguồn của nó.
Xuân Ất Mùi đã về, dã quỳ cũng đã nở rộ khắp núi rừng Tây Nguyên. Nhiều du khách lên Tây Nguyên để ngơ ngẩn ngắm quỳ, thả mình trong làn sương mờ ảo, ngắm những con đường đất đỏ bazan lượn sóng dài ngút ngát tầm mắt, để say sưa bên vẻ đẹp trong xanh của biển hồ đầy, và không quên nhảy múa kết vòng xoang bên ánh lửa bập bùng cùng những làn điệu cồng chiêng huyền bí.