Đà Nẵng tiếp tục hỗ trợ lương thực và nhu yếu phẩm cho người dân

09:06 21/08/2021

Ngày 20/8, UBND TP Đà Nẵng đã quyết định hỗ trợ lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu cho các hộ dân khó khăn trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, có 50.651 hộ dân, bao gồm 17.041 hộ gia đình chính sách, người có công và 33.610 hộ khó khăn, với mức hỗ trợ mỗi hộ tương đương 500 nghìn đồng.

UBND TP giao cho các quận, huyện căn cứ theo tình hình thực tế địa phương, có thể mua hàng cung cấp cho hộ gia đình, hoặc cấp tiền cho hộ gia đình khó khăn tự mua. Đồng thời, chính quyền các xã, phường, các tổ phòng, chống dịch COVID-19 cộng đồng giám sát và thực hiện việc hỗ trợ kịp thời cho hộ dân gặp khó khăn, đảm bảo công khai, tránh bỏ sót đối tượng. 

Trước đó, ngày 15/8, UBND TP Đà Nẵng cũng đã phân bổ 30.000 suất quà gồm thực phẩm, đồ khô cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn TP. Những suất quà này nằm trong gói hỗ trợ trị giá 45 tỷ đồng của Tập đoàn Sun Group trao cho UBND TP Đà Nẵng để tiếp sức chống dịch COVID-19. Đồng thời, Sun Group và Tập đoàn Phương Trang- FUTA Group cũng đã phân bổ hơn 3.400 tấn rau của quả (Sun Group hỗ trợ 1.400 tấn) cho người dân Đà Nẵng.

Lực lượng Công an phân phối rau xanh cho người dân trên địa bàn phường Nại Hiên Đông. 

UBND TP cũng chi hơn 50 tỷ đồng để hỗ trợ người dân trong các khu vực cách ly y tế trên địa bàn quận Sơn Trà với mức hỗ trợ mỗi người 40 nghìn đồng/ngày trong thời gian cách ly. Để đảm bảo lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trong thời gian phong tỏa theo quyết định 2788, TP Đà Nẵng đã giao Sở Công Thương tổ chức các điểm cung ứng hàng cho từng khu vực, triển khai kênh bán hàng lưu động đến các khu vực khó khăn; phát huy kênh phân phối qua siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các công ty thương mại đầu mối để cung cấp các đơn hàng của người dân thông qua các tổ phục vụ COVID-19 cộng đồng.

TP cũng khôi phục lại hoạt động của chợ An Hải Bắc (quận Sơn Trà) và sẽ xem xét sớm khôi phục hoạt động của các chợ đầu mối, truyền thống khi đủ điều kiện phòng, chống dịch; sẵn sàng trưng mua hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân khi tình huống phát sinh.

Đặc biệt, TP Đà Nẵng quyết định cho phép 1.000 shipper là nhân viên của các nhà cung ứng thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu hoạt động từ ngày 21/8 để phục vụ cho người dân trong thời gian đang thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Đây sẽ là phương án đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cho người dân TP và đảm bảo hiệu quả thực hiện giãn cách phòng, chống dịch.

Hiện nay, tại mỗi quận, huyện ở TP Đà Nẵng đều có trên 100 tổ cung ứng hàng hoá, có trách nhiệm tổng hợp thông tin đăng ký các hộ dân và liên hệ các cửa hàng cung cấp trên địa bàn để mua sắm và phân bổ hàng hóa đến từng hộ dân, nhận tiền từ người dân để thanh toán cho các cửa hàng cung cấp lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, do số lượng người dân có nhu cầu tăng cao nên việc đặt mua, vận chuyển hàng hóa chưa được thông suốt, đôi lúc quá tải. Do đó, việc cho phép hoạt động có điều kiện với đội ngũ shipper là cần thiết, đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân. UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các shipper là người đã được tiêm chủng vaccine COVID-19 và test nhanh SARS-CoV-2 mỗi ngày.

Trong quá trình hoạt động, các shipper phải thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch như mặc đồng phục của công ty, đơn vị cung ứng, mặc thêm áo bảo hộ y tế bên ngoài và đeo khẩu trang, mũ chống giọt bắn; chỉ mua hàng tại các siêu thị và địa chỉ thương mại được TP cho phép. Lực lượng Công an TP Đà Nẵng và các lực lượng làm nhiệm vụ sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp giả shipper để ra đường trái quy định.

Quyết định phong tỏa TP trong vòng 7 ngày, từ ngày 16 đến 23/8, nhằm cắt đứt các chuỗi lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, tiến hành xét nghiệm cho đại diện tất cả các hộ gia đình để phát hiện, cách ly các trường hợp F0, không để dịch bệnh lan rộng, kéo dài… đang được đánh giá là hướng đi đúng và kịp thời của TP Đà Nẵng. TP đã cắt đứt được nhiều chuỗi lây nhiễm phức tạp, làm bộc lộ và cách ly nhiều trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng. Cũng từ kết quả đó, TP Đà Nẵng đã thu hẹp vùng cách ly y tế, gồm 5 phường trên địa bàn quận Sơn Trà xuống còn 2 phường là Nại Hiên Đông và Mân Thái…

Tính từ thời điểm dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại Đà Nẵng từ ngày 10/7 đến 20/8, trên địa bàn TP Đà Nẵng đã có 2.464 ca dương tính, trong đó có gần 500 ca được phát hiện thông qua xét nghiệm trong 4 ngày đầu tiên của đợt phong tỏa này, bao gồm hơn 130 ca ngoài cộng đồng. Riêng trong ngày 20/8, Đà Nẵng ghi nhận 167 ca mắc COVID-19 mới, trong đó 108 ca đã cách ly, 12 ca trong khu phong tỏa và 43 ca cộng đồng.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã yêu cầu ngành Y tế cần đánh giá rõ ràng, cẩn thận tình hình dịch bệnh sau 7 ngày TP tạm ngừng mọi hoạt động. Từ đó, tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP đưa ra các biện pháp tiếp theo. Sau ngày 23/8, nếu số ca mắc mới vẫn tiếp tục ở mức cao thì TP cần tăng cường thực hiện các biện pháp quyết liệt, siết chặt hơn nữa trong khu cách ly để hạn chế lây nhiễm chéo, đồng thời tiếp tục xét nghiệm diện rộng từ 2/3 lần để phân loại các F triệt để, xác định các vùng có nguy cơ cao chính xác.

Trong thời gian phong tỏa, chính quyền địa phương và các ban ngành, đoàn thể tiếp tục thực hiện các phương án đã được xây dựng một cách chủ động, tích cực, linh hoạt để đảm bảo nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân toàn TP, hỗ trợ kịp thời những trường hợp khó khăn, không để hộ dân nào thiếu đói.

Thân Lai

Nhiều khu đất lớn đang trong giai đoạn chính quyền TP Đà Nẵng rao bán đấu giá bị doanh nghiệp ngang nhiên lấn chiếm làm công trình, bãi tập kết máy móc, vật liệu xây dựng. Thậm chí, có trường hợp chiếm đất công rồi tổ chức cho người khác đổ xà bần, rác thải để thu tiền theo đầu xe. Đã có trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự... 

Cơn bão Man-yi, hiện cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 2.000 km được đánh giá là cơn bão mạnh cấp 15, giật trên cấp 17, có khả năng tiến vào Biển Đông trong ngày 18/11.

Không chỉ nhiều lần phớt lờ chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về vấn đề quản lý đất công như Báo CAND đã phản ánh vào ngày 9/11, tại Phân viện Thanh Thiếu niên miền Nam (TP Thủ Đức - TP Hồ Chí Minh) thuộc Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam còn để xảy ra tình trạng công trình trị giá 34 tỷ đồng được đầu tư bằng vốn ngân sách sau 15 chưa quyết toán xong và có nguy cơ phải đập bỏ do xây dựng không phép…

"Không thể để Thủ đô cứ mưa lớn lại ngập, trong nội đô ngập, ở ngoại đô, người dân phải chèo thuyền vào tầng 2 nhà mình",  TS Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát biểu như vậy tại Hội thảo khoa học “Triển khai Luật Thủ đô số 39/2024/QH15: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” được tổ chức sáng 14/11 tại Hà Nội.

Ngày 14/11, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bình Dương cho biết đã có kết luận điều tra về đường dây chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng số lượng lớn do bị can Lềnh Chi Và (SN 1984) và Nguyễn Trung Hiếu (SN 1991), cùng ngụ tại huyện Định Quán (Đồng Nai) thực hiện hành vi phạm tội.

Trưa 14/11, Giải đua ghe Ngo trong Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực ĐBSCL lần thứ 6 và Tuần VH-TT&DL Sóc Trăng lần thứ 1 năm 2024 chính thức khai mạc tại Khán đài đua ghe Ngo (sông Maspero, TP Sóc Trăng), với sự tranh tài của 60 đội ghe Ngo (53 đội nam, 7 đội nữ) đến từ các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ.

Sáng 14/11, Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh đã cung cấp thông tin xung quanh việc mở rộng đấu tranh Chuyên án VN10, xử lý triệt để các đối tượng đã từng mua ma túy từ các đối tượng bị bắt giữ trong chuyên án để tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Đáng chú ý, các đối tượng liên quan tới cả người mẫu, diễn viên, ca sĩ và những người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文